Thứ năm, 18/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 30 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Cái tâm thầy thuốc

Cập nhật: 08:16 ngày 16/01/2018
(BGĐT) - Năm 2017, Bắc Giang vượt quỹ bảo hiểm y tế gần 84 tỷ đồng. So với năm 2016, con số này đã giảm đi nhiều song vẫn đặt ra không ít khó khăn thách thức cho các cơ sở y tế địa phương.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc bội chi quỹ như giá viện phí tăng, mức đóng bảo hiểm y tế thấp trong khi nhiều người thuộc diện được hỗ trợ mua thẻ nhưng mức hưởng cao. Đặc biệt, việc chỉ định quá mức các dịch vụ  y tế như siêu âm, nội soi, xét nghiệm, chụp cộng hưởng từ... đã dẫn tới bội chi quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Khi đã là bệnh nhân, gần như 100% người bệnh tuyệt đối nghe theo chỉ lệnh của các y, bác sĩ. Bác sĩ bảo siêu âm thì đi siêu âm; bảo thử máu, thử nước tiểu để làm xét nghiệm là thử. Vậy nên, có khi chỉ là bệnh của tuổi trung niên, đau mỏi xương khớp thoáng qua nhưng khi đi khám, công đoạn làm xét nghiệm, siêu âm mất cả buổi. Đợi tiếp đến chiều mới nhận được kết quả và vài viên thuốc giảm đau, uống cũng được, không cũng chẳng sao, rất mất thời gian và không hiệu quả.

Nhiều người bệnh cũng ca thán rằng, dù đã thông tuyến khám chữa bệnh song cơ bản chuyển từ nơi này sang nơi khác, bệnh viện này sang bệnh viện khác lại siêu âm, xét nghiệm, làm hồ sơ bệnh án... như mới. Đây cũng là một trong những nguyên do dẫn tới bội chi quỹ từ các chỉ định quá mức, không cần thiết, thậm chí lạm dụng các dịch vụ y tế. Về khoản này, năm 2017, cơ quan bảo hiểm đã từ chối thanh toán các khoản chi phí không hợp lý với số tiền hơn 30 tỷ đồng.

Một trong số nguyên nhân bội chi nữa đó là việc chỉ định sử dụng thuốc. Bác sĩ kê đơn thuốc như thế nào, bệnh nhân uống đầy đủ như thế. Có khi không cần uống nhiều loại, nhiều kháng sinh hoặc giảm liều cho những ngày tiếp theo song đa phần, bác sĩ bảo gì, bệnh nhân nghe nấy. Chưa kể, thuốc là mặt hàng đặc biệt, không ai đi “chợ” thuốc bao giờ và càng không thể mặc cả, so sánh thẩm định chất lượng giữa các loại...

Để giải quyết tình trạng này, tới đây, các cơ quan liên quan sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất các cơ sở khám chữa bệnh và đặc biệt, cương quyết từ chối các khoản chi phí không đúng quy định, thậm chí có hình thức xử lý các trường hợp vi phạm, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế... Tuy nhiên, dù kiểm tra như thế nào vẫn rất cần cái tâm của người thầy thuốc, bắt đúng bài, đúng bệnh và chỉ định đúng liều thuốc. Bởi suy cho cùng, thuốc như con dao hai lưỡi, uống đúng thì tốt, chữa được bệnh, còn uống nhiều hại sức khoẻ, bổ béo gì đâu.

Hồng Tâm

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...