Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tầm soát bệnh huyết áp, tiểu đường

Cập nhật: 09:21 ngày 22/01/2018
(BGĐT) - Bệnh tăng huyết áp, tiểu đường gia tăng mạnh trong thời gian gần đây, nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nặng, khó điều trị, thậm chí tử vong. Tầm soát bệnh huyết áp, tiểu đường là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Các chuyên gia y tế gọi tăng huyết áp là "kẻ giết người thầm lặng" bởi vì bệnh diễn tiến một cách âm thầm, phá hoại các cơ quan trong cơ thể; là bệnh mạn tính phổ biến nhất trên thế giới cũng như Việt Nam. Bệnh này gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho tim, não, thận, mạch máu...

Đáng lo ngại là trong cộng đồng hiện có đến 30% người dân bị tăng huyết áp mà không biết. Các triệu chứng tăng huyết áp cơ bản là nhức đầu, chóng mặt, ù tai, mất ngủ mức độ nhẹ, hoa mắt. Khi có triệu chứng dữ dội hơn như đau vùng tim, giảm thị lực, thở gấp, mặt đỏ bừng, tái xanh, nôn ói, hồi hộp… thì thường đã có biến chứng hoặc tình trạng bệnh đã nặng.

Cùng với bệnh tăng huyết áp, bệnh đái tháo đường cũng được coi là "kẻ giết người thầm lặng". Cứ mỗi 10 giây, trên thế giới lại có một người tử vong vì bệnh này.

Hiện nay do nhu cầu đời sống phát triển, việc lười vận động và sử dụng quá nhiều chất kích thích, thức ăn nhiều chất béo... đã dẫn đến lượng bệnh nhân mắc đái tháo đường  ngày một tăng.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm có khoảng bốn triệu bệnh nhân mắc đái tháo đường. Bệnh đái tháo đường là một trong những bệnh diễn biến khá âm thầm, không triệu chứng nên trong giai đoạn đầu người bệnh thường không biết hoặc biết nhưng không hề quan tâm đúng mức.

Cũng vì thế, hậu quả để lại do bệnh đái tháo đường thường rất nặng nề. Có thể là suy tim, suy thận và biến chứng toàn thân, nhiễm trùng... Trong khi đó chi phí điều trị rất tốn kém, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống người bệnh. Do vậy, thầy thuốc lưu ý, nếu thấy các dấu hiệu như đường huyết tăng cao, ăn nhiều, tiểu nhiều, khát nước và uống nước nhiều, sụt cân, mắt mờ, run tay chân, mệt mỏi... thì nên đi khám sớm.

Theo số liệu mới nhất của ngành y tế, hiện toàn tỉnh có 39,6 nghìn bệnh nhân tăng huyết áp và 9,6 nghìn bệnh nhân tiểu đường. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, số người mắc bệnh nhưng chưa được phát hiện còn cao hơn rất nhiều.

Để tầm soát bệnh tăng huyết áp, tiểu đường và một số bệnh mạn tính khác, năm 2018, Sở Y tế chỉ đạo mở rộng việc khám, chữa bệnh cho các đối tượng này ở trạm y tế xã nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân kiểm soát bệnh được hiệu quả hơn.

Với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, các chuyên gia y tế khuyến cáo để phòng ngừa bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, mỗi người cần có chế độ ăn uống và vận động hợp lý. Mỗi ngày nên vận động từ 10 - 30 phút tùy theo hình thức như leo cầu thang, chạy bộ, đi bộ… Giảm ăn mặn, tránh lo âu, căng thẳng thần kinh; cần chú ý nghỉ ngơi hợp lý; tránh bị lạnh đột ngột. Cùng đó là ngừng hút thuốc, kiểm soát đường huyết, huyết áp, giữ vững cân nặng lý tưởng... Chú ý kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.

Trần Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...