Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 26 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Du khách "một đi không trở lại"

Cập nhật: 10:32 ngày 08/02/2018
(BGĐT) - Theo khảo sát của Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (Dự án EU tại Việt Nam), công bố kết quả nhiều điểm du lịch của Việt Nam du khách chỉ đến một lần.

"Vẻ đẹp tiềm ẩn", "vẻ đẹp bất tận" và con người hồn hậu, thân thiện khiến Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng của du khách quốc tế.

Những năm gần đây, các cấp, ngành chức năng ở trung ương và địa phương đều quan tâm nhiều hơn đến phát triển du lịch. Nhiều địa phương cùng với đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch còn sáng tạo nhiều mô hình mới, cách làm hay để thu hút du khách trong và ngoài nước. Nhờ vậy lượng khách du lịch đến Việt Nam ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước.

Những ngày đầu năm 2018, nhiều báo giật tít "Cộng đồng mạng cảm ơn người phụ nữ trả 50 nghìn đồng thay du khách Tây". Chuyện là, một vị khách du lịch người nước ngoài đã bị tài xế mời xuống xe sau khi có thắc mắc vì bị thu chênh lệch giá vé số tiền 50 nghìn đồng. Trước sự việc này, một phụ nữ ở TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đã xin trả thay số tiền với mong muốn giữ hình ảnh thân thiện của người Việt Nam.

Trước đó ít ngày, cộng đồng mạng cũng đã phê phán việc hai nữ du khách nước ngoài đến hồ "Tuyệt tình cốc" ở Hải Phòng tham quan, chụp ảnh nhưng bị một người dân xua đuổi do không nộp phí. Người này còn đe doạ nếu không đưa 10 nghìn đồng thì sẽ lên đập xe của họ, đồng thời dùng khăn vải đánh liên tục vào người đang chụp cảnh hồ.

Chỉ cần lấy hai ví dụ trên có thể minh chứng cho những nhận định vì sao nhiều điểm du lịch của Việt Nam du khách chỉ đến một lần.

Báo cáo đánh giá của Chương trình phát triển năng lực du lịch của EU cho biết, cơ sở vật chất du lịch cũng như chất lượng dịch vụ hiện còn đầu tư ồ ạt không bài bản, thiếu chuyên nghiệp, kể cả việc nôn nóng khai thác di sản được ví như con dao hai lưỡi đe dọa sự phát triển bền vững của du lịch Việt Nam.

Hơn hết là hiện tượng du khách bị gian lận khi mua hàng hóa và dịch vụ; bị làm phiền bởi người bán hàng rong và độ an toàn khi tham gia giao thông thấp. Nếu thực sự cầu thị và muốn phát triển, những người muốn thay đổi chất lượng dịch vụ du lịch Việt Nam cần phải biết lắng nghe và quan tâm hơn đến những phản hồi từ du khách.

Bắc Giang đang tập trung cao cho phát triển du lịch, trong năm qua lần đầu tiên lượng du khách đến Bắc Giang đạt hơn 1 triệu lượt người. Rất mong rằng những khuyến cáo về phát triển không bền vững, du khách "một đi không trở lại" ở nhiều điểm du lịch trong nước là bài học quý cho du lịch Bắc Giang.

Trần Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...