Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 31 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chống bạo hành y tế

Cập nhật: 08:45 ngày 27/02/2018
(BGĐT) - Khởi đầu năm 2018 đối với ngành y tế là chuyện không mấy hay ho, bác sĩ bị bạo hành. Đêm mùng 5 Tết, hai bác sĩ của Bệnh viện Sản - Nhi Yên Bái sau khi phẫu thuật an toàn lấy thai cho sản phụ đã bị chính chồng và người nhà của sản phụ này hành hung dã man khiến một vị phải khâu tới 20 mũi. Trở lại những vụ việc bạo hành bác sĩ trước đó, những con số thống kê khiến không ít người phải giật mình suy ngẫm.

Tối 25-12-2017, bác sĩ Đỗ Chính Nghĩa - Trung tâm cấp cứu 115 Thái Bình khi đang cứu chữa bệnh nhân bị tai nạn giao thông đã bị người nhà bệnh nhân đấm liên tục vào mắt làm gãy xương sống mũi và chấn thương sưng nề vùng mắt, trán. Tháng 10-2017, tại Quảng Bình, một bác sĩ cũng bị người nhà bệnh nhân xông vào đánh bất tỉnh, chảy máu khắp mặt mày và phải cấp cứu. Cùng trong tháng 10, chị cán bộ Trạm Y tế xã Hương Lâm, huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) đang trong ca trực bị người nhà bệnh nhân chém nhiều nhát vào người khiến chị bị đa trấn thương...

Rất nhiều, rất nhiều vụ bạo hành dã man, vô cớ với cán bộ, y bác sĩ ngành y liên tiếp diễn ra không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác khám chữa bệnh mà còn ảnh hưởng đến tâm lý, sức khoẻ, tinh thần cũng như động lực, sự tận tuỵ của các cán bộ y tế.

Viết bài cho tờ VnExpress, bác sĩ Võ Xuân Sơn kể lại, cách đây hơn hai năm, chính ông là người thay mặt cho tất cả y bác sĩ, cán bộ y tế ký vào bản kiến nghị chống bạo hành y tế gửi Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông,  Văn phòng Quốc hội... Chỉ tính riêng danh sách người đứng tên trong kiến nghị, in ra đã thành 5 quyển dày. Nói vậy để thấy mức độ cấp bách và báo động đối với vấn đề an toàn cho những bệnh viện, cơ sở y tế. Nhưng rất tiếc, sau một thời gian, ông phải thừa nhận, phong trào đã thất bại.

Thực tế pháp luật không coi thầy thuốc là công chức, viên chức được pháp luật bảo vệ khi đang thực thi công vụ. Bên cạnh đó, do đặc thù nghề nghiệp, họ không có quyền từ chối khám, chữa bệnh, cấp cứu cho người bệnh dù bị chính bệnh nhân hay người nhà chửi bới, đánh đập, lăng mạ.

Nhiều thầy thuốc tâm sự rằng, họ không có ý định đề cao nghề nghiệp của họ cũng như không cần một chế độ đãi ngộ đặc biệt nào, chỉ mong có một môi trường an toàn để yên tâm khám, chữa bệnh. Chẳng lẽ, mong mỏi đơn giản ấy, giữa thời buổi đất nước thanh bình mà lại khó vậy sao???

Bảo Châu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...