Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 25 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bữa ăn bán trú

Cập nhật: 08:45 ngày 15/03/2018
(BGĐT) - Một clip về bữa cơm bán trú 13 nghìn đồng với vài miếng chả và trứng mỏng dính tại một trường tiểu học ở Thái Bình vừa đăng tải đã thu hút hàng triệu lượt người xem. Trong clip, phụ huynh phản đối gay gắt trước khay thức ăn chỉ có cơm, hai thìa khoai tây xào, một miếng trứng cuộn và hai miếng chả “mỏng như tờ giấy”.

Sở dĩ clip về suất cơm trị giá 13 nghìn đồng có đông người xem bởi nhiều gia đình thành thị có con học mầm non, tiểu học, thậm chí cả THCS đều gửi bán trú. Trẻ con đang tuổi ăn tuổi lớn, lại ở trường cả ngày nên ăn uống ra sao để đủ chất và khoẻ mạnh luôn được phụ huynh quan tâm.

Nhiều cha mẹ tâm sự rất thật: Con của họ sợ nhất là ăn bán trú. Bọn trẻ thường mong và nài nỉ bố mẹ để được về ăn cơm nhà bởi cơm trường thường nguội, món ăn nghèo nàn, quanh đi trứng tráng, thịt băm; quanh lại chả lá lốt hay chả lợn và đều không ngon. Biết vậy nhưng vì công việc, không còn cách nào khác nên phụ huynh vẫn phải gửi, cho con ăn bán trú.

Nhân chuyện bữa cơm 13 nghìn đồng xôn xao mạng xã hội, tìm hiểu các lớp ăn bán trú ở TP Bắc Giang cho thấy một suất cơm bình quân không phải rẻ (khoảng 20 nghìn đồng/suất, tuỳ trường, tuỳ bậc học). Đấy là tính riêng tiền ăn, không cộng tiền trông trưa (gần 100 nghìn đồng/cháu).

Nếu là một người nội trợ bình thường, khéo cân đối, tính toán, với số tiền này hoàn toàn có thể nấu một bữa cơm tươm tất, đủ dinh dưỡng và ngon miệng cho gia đình. Tuy nhiên, theo lý giải của nhiều trường, số tiền này bao gồm cả tiền chất đốt, công nấu nướng, phục vụ, điện nước… nên thực tế vào suất ăn không hẳn là như vậy.

Nhiều người bảo: Chưa bàn đến thực tế một suất ăn nhưng cứ hỏi 100 đứa trẻ thì có lẽ cả trăm cháu đều nhận xét “chán lắm” cho bữa cơm bán trú. Tất nhiên không thể chiều lòng và hợp khẩu vị tất cả các cháu nhưng đa phần trẻ đều sợ cơm học trường thì các trường cũng cần phải xem lại.

Không phải phụ huynh nào cũng đủ “can đảm” như phụ huynh ở Thái Bình đưa clip về thực tế bữa ăn của con lên mạng, bởi e ngại, sợ thầy cô, nhà trường “đánh giá” bố mẹ rồi quay sang trù úm, xét nét, tội cho con trẻ. Tuy nhiên, việc chăm sóc sức khoẻ, lo bữa ăn, giấc ngủ của trẻ ở độ tuổi này là rất quan trọng.

Nhiều phụ huynh bày tỏ mong muốn ngoài ngành giáo dục, nhà trường, hội cha mẹ học sinh được tham gia giám sát từ khâu nhập thực phẩm đầu vào đến việc chế biến, nấu nướng và chia suất ăn cho trẻ. Mọi công đoạn đều công khai, minh bạch để phụ huynh yên tâm con mình được ăn uống bảo đảm và đúng với số tiền đóng góp. Bởi với một đứa trẻ, một tháng 20 ngày cơm học đường với khoảng 10 năm có lẻ, từ bậc mầm non đến tiểu học, thậm chí cả THCS, trẻ ăn đủ chất và đủ no hay không là cả một vấn đề.

Hương Thu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...