Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 26 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Dấu ấn của Luật Doanh nghiệp 1999

Cập nhật: 08:48 ngày 19/03/2018
(BGĐT) - Nhắc đến nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định dấu ấn đặc biệt của ông với bộ luật quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế và khối doanh nghiệp tư nhân, đó là Luật Doanh nghiệp 1999.

Nếu như “Khoán 10” tạo sự đột phá cho phát triển nông nghiệp, để Việt Nam từ nước phải nhập khẩu lúa gạo trở thành nước xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới thì Luật Doanh nghiệp 1999 cũng tạo bước đột phá tương tự cho các doanh nghiệp tư nhân nở rộ, trở thành đội hình nòng cốt trong phát triển kinh tế - xã hội.

Từ quan điểm đổi mới và niềm tin vào giới kinh doanh, Thủ tướng Phan Văn Khải đã chỉ đạo việc xây dựng Luật Doanh nghiệp phải bảo đảm hai nội dung quan trọng nhất. Thứ nhất, nguyên tắc mọi tổ chức và công dân có quyền tự do kinh doanh theo pháp luật. Thứ hai, Nhà nước chuyển cách quản lý từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm", tổ chức sự quản lý, giám sát theo nguyên tắc công khai, minh bạch.

Với tinh thần ấy, Luật Doanh nghiệp chính thức đi vào thực hành từ năm 2000 mang lại thuận lợi lớn cho các doanh nghiệp tư nhân.

Tác động đầu tiên của nó chính là vô hiệu hóa hàng loạt giấy phép, con dấu các loại, giảm nhiêu khê và công sức của doanh nghiệp trong các hoạt động của mình.

Đại biểu Quốc hội Trương Quang Nghĩa nhớ lại: Khi kêu gọi mãi mà các bộ chần chừ không giảm thủ tục hành chính được bao nhiêu thì chính ông Phan Văn Khải là người kiên quyết cắt giảm một cách dứt khoát. Thủ tướng tự mình quyết định, tự ông tập hợp, không chờ nữa. Nhờ đó, ông đã cắt giảm rất nhiều phiền hà và không cần thiết.

Luật Doanh nghiệp ra đời còn giảm thái độ cửa quyền, nhũng nhiễu của các cơ quan công quyền, hải quan, thuế quan, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động dễ dàng hơn, và tốn ít chi phí bôi trơn hơn.

Kết quả là môi trường kinh doanh được cải thiện rõ rệt. Sau ba năm đi vào hoạt động, Việt Nam tăng được hai bậc trong bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Từ năm 2000 đến năm 2002 có gần 60 nghìn doanh nghiệp mới được thành lập, trong khi 9 năm trước đó 1991-1999 chỉ có 45 nghìn.

Tại Bắc Giang, tinh thần đổi mới của Luật Doanh nghiệp 1999 đã có tác động mạnh, cơ chế từ tiền kiểm sang hậu kiểm được thực thi, thời gian cấp giấy đăng ký kinh doanh được rút ngắn, nhiều thủ tục được xóa bỏ. Nhờ đó số lượng doanh nghiệp thành lập mới nở rộ. Nếu như trước năm 2000 toàn tỉnh chỉ có hơn 100 doanh nghiệp ngoài quốc doanh thì một năm sau đó số doanh nghiệp đã tăng lên gấp đôi và đến nay toàn tỉnh có khoảng 7 nghìn doanh nghiệp.

Còn nhớ, trong chỉ đạo triển khai Luật Doanh nghiệp, Thủ tướng Phan Văn Khải khẳng định: “Cả trong xây dựng lẫn thi hành thể chế chúng ta phải đấu tranh khắc phục tình trạng các cơ quan Nhà nước luôn tìm cách giành phần thuận lợi cho mình, đẩy khó khăn cho người dân và doanh nghiệp… Về phía doanh nghiệp và doanh nhân, phải kết hợp hài hòa lợi ích của mình với lợi ích của đất nước, của dân tộc, kinh doanh có phẩm chất đạo đức, không làm ăn kiểu chụp giật, xoay xở bất chính…".

Dấu ấn của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải với Luật Doanh nghiệp là bài học quý, còn nguyên tính thời sự khi chúng ta đang tích cực triển khai Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 (khóa XII) của Trung ương Đảng về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trần Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...