Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 27 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bao tiêu nông sản để tránh rủi ro

Cập nhật: 09:05 ngày 21/03/2018
(BGĐT) - Đầu ra cho nông sản là vấn đề chưa bao giờ hết “nóng”. Tình trạng nông dân xã Tráng Việt (Mê Linh - Hà Nội) đang phải bỏ xó hàng trăm tấn củ cải và nông dân xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ - Hải Dương) vứt bỏ hàng tấn su hào do không bán được là minh chứng cho nhận định trên.

Không chỉ lĩnh vực trồng trọt mà trong chăn nuôi nhiều hộ nông dân cũng điêu đứng vì thua lỗ nặng do giá thịt lợn hơi từng rớt giá thê thảm vào dịp này năm trước.

Nguyên nhân nông sản không tiêu thụ được, thậm chí phải đổ đi vẫn là sản xuất tự phát, cung vượt cầu, không có đầy đủ thông tin về nhu cầu thị trường, xuất khẩu chủ yếu là nông sản thô, phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc…

Nếu ở các nước phát triển, người nông dân trồng cây gì, nuôi con gì luôn có kế hoạch cụ thể, theo một quy trình khép kín từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm, thì ở ta, người nông dân lại muốn gì trồng nấy, nên khi sản xuất dư thừa thì dễ bị thương lái ép giá, sản phẩm không bán được.

Lại có một nghịch lý là trong khi giá bán nông sản đầu bờ rẻ như cho thì ở các chợ, giá bán đến tay người tiêu dùng có khi đắt gấp hàng chục lần.

Lý do là khâu phân phối qua quá nhiều khâu trung gian, cộng với chi phí vận chuyển, chi phí bán lẻ đã đội giá bán lên rất nhiều, khiến người tiêu dùng chịu thiệt. Trên thực tế chúng ta cũng không có một chợ đầu mối nào hoạt động theo đúng nghĩa, nên nông dân cứ thế mà trồng rồi bán, chứ không được định giá, không giữ được giá cho sản phẩm của mình.

Bắc Giang đang khuyến khích doanh nhân, nông dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng các cánh đồng mẫu với mục tiêu nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản trên thị trường. Tuy nhiên, nếu không quan tâm “sản xuất cái thị trường cần”, đầu ra cho nông sản ở đâu thì rất có thể sản phẩm tốt, giá rẻ mà chưa chắc đã bán được.

Do vậy, nhiều ý kiến đề xuất, ngành Nông nghiệp và Công Thương cần nỗ lực hơn nữa để xây dựng khâu sản xuất và phân phối một cách bàn bản, có kế hoạch, lộ trình cụ thể hơn cho người nông dân thì mới giải quyết được bài toán trên.

Trong đó, việc liên kết, ký hợp đồng bao tiêu là vấn đề rất quan trọng. Ngay tại xã Tráng Việt, rất nhiều hộ nông dân không bị ảnh hưởng vì thương lái đã trả tiền trước cho họ rồi.

Như vậy, rõ ràng nông dân có hợp đồng tiêu thụ trước, ổn định thì sẽ tránh được tất cả những rủi ro. Đặt hàng lúc đó là của thương lái, vì thương lái thường quan sát và cân đối thị trường tốt hơn nông dân làm nhỏ lẻ.

Thông tin đầy đủ về nhu cầu thị trường, sản xuất theo hợp đồng bao tiêu là những vấn đề mà cơ quan chức năng cần thường xuyên khuyến cáo cho nông dân để tránh những rủi ro “được mùa mất giá” trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa hiện nay.

Trần Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...