Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 30 °C / 25 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tiếng ồn trong phố

Cập nhật: 09:13 ngày 28/03/2018
(BGĐT) - Không biết ai phát minh ra dàn karaoke mà khiến nhiều người “bỗng dưng” trở thành ca sĩ, vui vẻ hát cho nhau nghe, góp ích hữu hiệu trong các cuộc vui. Ấy là những buổi hát “đúng lúc đúng chỗ”, trong phòng cách âm, đạt chuẩn; còn với những dàn karaoke di động thì quả là sự tra tấn tiếng ồn.

Khi chất lượng cuộc sống được nâng lên, việc nhiều gia đình bỏ tiền sắm dàn karaoke để thỉnh thoảng hát là điều bình thường. Do tự phát, ngẫu hứng, loa công suất lớn lại không có cách âm nên mỗi lần hàng xóm cất cao tiếng hát là đầu phố cuối phố… váng đầu.

Chưa kể, thường thì sau mỗi cuộc nhậu, khi bia, rượu tới độ người ta mới hát và càng hăng say hát. Bài nọ tiếp bài kia, từ nhạc xanh sang nhạc đỏ, từ sáng trưa tới chiều tối, mặc kệ người nghe khó chịu ra sao, phố xóm ồn ã, đảo lộn sinh hoạt người già, con trẻ như thế nào.

Gần đây lại xuất hiện thêm cái micro không dây, chỉ cần kết nối bluetooth với một cái smartphone là trở thành một phòng hát karaoke di động, ngồi đâu cũng có thể hát được. Thế là nhà nhà, người người yêu văn nghệ, đam mê ca hát đều hát, bất cứ lúc nào và người nghe mật độ bị tra tấn tiếng ồn cũng dày lên.

Nhiều người không chịu nổi sang nhà hàng xóm nhắc, nhẹ thì các “ca sĩ bất đắc dĩ” ậm ừ cho xong nhưng không ít trường hợp bị cự lại, rằng “nhà tôi, tôi hát hay tôi làm gì kệ tôi”. Bực mình, nhà này về cũng làm một bộ karaoke, công suất còn lớn hơn để “đọ” lại với nhà bên, thành thử ra cả xóm khổ.

Hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường, theo pháp luật là bị cấm. Người dân nếu không chịu được có thể làm đơn khiếu nại gửi tới UBND phường (xã, thị trấn) để đòi giải quyết. Tuy nhiên, cách làm này không dễ, bởi xác định hàng xóm hát vượt bao nhiêu quy chuẩn, thông số là điều phức tạp, dù rõ là hát ông ổng.

Trong khi tiếng ồn không giảm, việc kiện ra phường là khó khăn thì vai trò của tổ dân phố trong việc nhắc nhở, hoà giải là rất cần thiết và quan trọng. Nhiều nơi quy định cụ thể trong bản cam kết, hương ước của tổ, khu phố ví dụ không được mở nhạc công suất lớn, hát không quá khuya, hát vào ngày nghỉ chẳng hạn…

Vẫn biết việc hát để xả xì- trét, để vui vẻ, giải toả mệt nhọc và là nhu cầu chính đáng song không vì lợi ích của mình mà làm ảnh hưởng đến lợi ích của người khác. Hát là văn minh nhưng người hát cũng cần văn minh với người khác, đặt mình vào vai người nghe để có cách hành xử cho đẹp, cho có văn hoá, trước khi đưa nhau ra chính quyền, áp dụng xử phạt này nọ, chỉ vì karaoke.

Hồng Sương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...