Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 34 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Cánh đồng không khói

Cập nhật: 08:39 ngày 12/04/2018
(BGĐT) - Đốt rơm rạ ngay tại đồng sau khi thu hoạch lúa là thói quen của nông dân nhiều địa phương. Tuy không mới nhưng đây là vấn đề đáng quan tâm bởi nó ảnh hưởng tới môi trường, đời sống, sức khỏe của người dân, thậm chí là nguyên nhân gây tai nạn giao thông do che khuất tầm nhìn.

Chiều 3- 4 vừa qua, trên tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, liên hoàn giữa 4 ô tô khiến 4 người bị thương, cả 4 xe hư hỏng nặng và gây ùn tắc kéo dài nhiều giờ. Nguyên nhân ban đầu được xác định do người dân đốt đồng tạo nên khói mù mịt, che khuất tầm nhìn của lái xe.

Không chỉ gây khói dày đặc ảnh hưởng giao thông, đã có nhiều nghiên cứu cho thấy, việc đốt rơm rạ không vô hại, tiết kiệm như bà con vẫn nghĩ mà trái lại, nó làm mất chất dinh dưỡng của đất, về lâu dài còn làm cho đất trở nên chai cứng, phát sinh nhiều dịch bệnh hại lúa. Đặc biệt, khói rơm rạ gây ô nhiễm bụi mịn, nguy hại lớn đến môi trường và sức khỏe người dân.

Nếu như với ô nhiễm bụi đường bình thường thì dùng khẩu trang có thể ngăn chặn được; còn với ô nhiễm bụi mịn thì vô ích. Bụi chui sâu vào phổi, gây các bệnh về hô hấp, thậm chí ung thư. Không những vậy, việc đốt nhiều rơm rạ trong cùng một lúc còn làm nóng bầu khí quyển, khiến nhiệt độ trở nên nóng hơn.

Để giảm thiểu tác hại của việc đốt rơm rạ, nhiều tỉnh như: Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Thanh Hoá… đã sử dụng phương pháp chế phẩm sinh học hữu cơ, bước đầu thu được kết quả tích cực. Theo đó, mỗi ha lúa sau thu hoạch sẽ thu được 6 tấn rơm rạ. Nếu đem đốt mất khoảng 6 triệu đồng, trong khi cùng khối rơm rạ ấy xử lý bằng chế phẩm sinh học sẽ thu được khoảng 400 kg phân hữu cơ. Làm phép tính với toàn bộ số rơm rạ sau thu hoạch của cả nước (khoảng 45 triệu tấn) đem xử lý được 20 triệu tấn phân hữu cơ, bà con tiết kiệm được gần 11 nghìn tỷ đồng.

Thực tế ở nhiều địa phương trong tỉnh, nhiều hộ thực hiện theo phương pháp cổ truyền, tức là làm dầm (cày ấp rạ) nhằm tăng cường phân mùn cải tạo đất hoặc ủ làm phân hoặc phơi khô làm thức ăn dự trữ cho trâu bò chống rét mùa đông… cũng rất tốt.

Không đốt rơm rạ, vừa lợi ích, tiết kiệm, vừa không gây ô nhiễm môi trường. Tại sao chúng ta không xây dựng và nhân rộng những “cánh đồng không khói” để vừa bảo vệ sức khoẻ cho chính mình, vừa làm giàu cho đất và để không ai bị ảnh hưởng bởi khói bụi mịt mờ trên đường như vụ tai nạn đáng tiếc ở trên.

Bảo Châu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...