Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Điểm số

Cập nhật: 08:55 ngày 16/04/2018
(BGĐT) - Vụ việc một nam học sinh lớp 10 Trường THPT Nguyễn Khuyến (quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) nhảy lầu tự tử ngay tại trường do áp lực học tập khi không đáp ứng được kỳ vọng của gia đình đang khiến không chỉ gia đình, nhà trường em học sinh này trải qua nỗi đau mà khiến tất cả các bậc phụ huynh trên cả nước bàng hoàng.

“Con xin lỗi ba má. Con đã không đáp ứng được mong mỏi của ba má. Con xin lỗi" - Những câu chữ trong lá thư tuyệt mệnh của em để lại cho gia đình trước khi quyết định hành động dại dột khiến nhiều người thảng thốt nhìn nhận lại những áp lực mà họ vô tình dồn ép cho con cái mình. Nhiều người đặt câu hỏi: Thực ra, chúng ta cần điểm số hay cần con mình?

Chắc chắn là chúng ta cần con mình, cần những đứa trẻ khoẻ mạnh, ngoan ngoãn và có suy nghĩ, hành động tích cực. Vậy tại sao chúng ta lại đặt lên vai đứa trẻ phải học trong tốp đầu, phải vào trường nọ lớp kia; phải thành “tấm huân chương” của cha mẹ, thầy cô và nhà trường?

Nhiều phụ huynh luôn mang tấm gương kiểu như: “Con nhà mẹ quét rác, bố phu hồ đỗ thủ khoa” hay “ Cô bé mồ côi đỗ cả ba trường đại học” ra làm gương cho con em mình. Nhà có điều kiện thì bảo: Đấy, nhà người ta nghèo thế mà học giỏi; nhà mình chỉ có mỗi ăn và học mà sao mãi vẫn học dốt?

Phải các phụ huynh khó khăn, ở quê thì luôn răn: Phải cố mà học con ạ! Học giỏi mới thoát được nghèo, thoát được chân lấm tay bùn, làm ông này bà nọ… Ngay đến thầy, cô giáo cũng tạo áp lực không nhỏ cho trẻ, kiểu như: Học sinh trường mình thì không thể không có giải. Các con mà không có giải thì chuyển về trường, lớp thường mà học…

Trên mạng xã hội, nhiều người chia sẻ tâm thư của thầy hiệu trưởng một trường ở Singapore gửi phụ huynh trước kỳ thi rất đáng suy nghĩ. Xin được lược trích: “Kỳ thi của các con sắp bắt đầu. Tôi biết quý vị đều lo lắng muốn con mình làm bài tốt. Nhưng hãy nhớ rằng trong số các em làm bài thi sẽ có một em là nghệ sĩ và không cần phải hiểu môn Toán. Sẽ có một doanh nhân không quan tâm tới Lịch sử hay môn Văn học…. Nếu con quý vị đạt điểm cao, điều đó thật tuyệt vời. Nhưng nếu chúng không đạt được thì làm ơn đừng lấy đi của con sự tự tin và phẩm giá của chúng. Một bài thi hay một điểm kém không thể cướp đi giấc mơ và tài năng của các con. Và thêm một điều nữa, hãy đừng nghĩ rằng, các bác sĩ hay kỹ sư là những người duy nhất hạnh phúc trên đời này”.

Đúng vậy, điểm số học tập không phải là tất cả thành công của đứa trẻ. Sự thành công của trẻ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhiều lĩnh vực chứ không đơn thuần là điểm cao, văn giỏi.

Xin đừng bức tử con em mình bằng điểm số và so sánh chúng với đứa trẻ nào khác. Cũng đừng lấy điểm số để đánh giá năng lực giáo viên mà thay vào đó nên là sự tin yêu của trò dành cho thầy. Có như vậy, mới hy vọng bớt đi bệnh thành tích, bớt đi những áp lực cho con trẻ và chúng ta không còn phải chứng kiến thêm cú nhảy lầu thương tâm nào khác.

Hồng Tâm

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...