Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 35 °C / 27 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Thừa biên chế

Cập nhật: 09:12 ngày 17/04/2018
(BGĐT)-Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017 do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dẫn số liệu khiến nhiều người giật mình, đó là qua kiểm toán năm 2017 phát hiện khu vực Nhà nước thừa 57.175 biên chế. Nhiều địa phương giao chỉ tiêu biên chế sự nghiệp giáo dục- đào tạo vượt định mức. Kiểm toán Nhà nước kiến nghị siết chặt công tác quản lý biên chế công chức, viên chức của các cơ quan.

Nhiều người nhẩm tính, bình quân một biên chế mỗi năm ngốn 50 triệu đồng/người; gần 60 nghìn suất dư thừa này khiến Nhà nước phải trả không gần 3 nghìn tỷ đồng/năm. Quả là quá ư vô lý và lãng phí!

Còn nhớ một số liệu được các bộ ngành liên quan đưa ra về tinh giản biên chế mới đây khá ấn tượng, đó là năm 2015 - 2017, cả nước giảm được hơn 33 nghìn người, trong đó 29 nghìn người hưởng chế độ trước tuổi. Con số tinh giản biên chế này làm chúng ta chưa kịp vui thì số dư thừa biên chế mà Kiểm toán Nhà nước công bố khiến không ít người sốc: Số dư còn gần gấp đôi số giảm.

Không biết tới đây Chính phủ sẽ xử lý ra sao với 57.175 biên chế dôi dư này và ai là người có lỗi trong “vụ” này. Tất nhiên không phải là những người được nhận vào biên chế. Lỗi chính có lẽ chính là ở những người tiếp nhận, bổ nhiệm công tác, biên chế cho họ.

Số liệu của Ngân hàng Thế giới thu nhập mới đây so sánh bộ máy công chức - viên chức ở Việt Nam với các quốc gia trong khu vực. Với hơn 2 triệu cán bộ công chức - viên chức trong số 10 triệu người ăn lương, bình quân cứ 20 người dân có một người hưởng lương, chúng ta dẫn đầu các nước Đông Nam Á, nhỉnh hơn Thái Lan, Nhật Bản và bỏ xa các nước còn lại.

Cán bộ công chức- viên chức cồng kềnh, dư thừa, số người hưởng lương cao nên nặng gánh cho ngân sách nhà nước. Nguồn thu ngân sách dành tới 70% cho chi thường xuyên mà 47% trong nguồn chi thường xuyên dành cho việc trả lương, tính ra phần tiền lương trong toàn bộ ngân sách cũng như trong GDP là rất cao.

Nghịch lý “ngân sánh eo hẹp, biên chế phình ra” được đề cập ở nhiều hội nghị và với con số 57.175 suất biên chế dư thừa này, có lẽ phải cần thêm nhiều thời gian, các bộ, ngành và địa phương mới giải quyết hết và như vậy, xem ra, cánh cửa vào biên chế, cơ hội việc làm với hàng nghìn sinh viên đã, đang và sắp tốt nghiệp đại học sẽ càng trở nên khó khăn hơn.

Hương Thu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...