Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 28 °C / 27 - 38 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Liên kết “6 nhà”

Cập nhật: 08:30 ngày 18/04/2018
(BGĐT) - Mấy ngày qua, báo chí cả nước bàn nhiều về cuộc đối thoại của Thủ tướng với 300 nông dân tại Hải Dương với chủ đề “Tháo gỡ vướng mắc, khơi dòng động lực, tiếp đà 30 năm đổi mới”. Theo đó, nhiều quyết sách đã được đưa ra giải quyết ngay, làm thỏa lòng mong đợi của người dân. Có đại biểu ví cuộc đối thoại này như “nắng hạn gặp mưa rào”!

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Trung ương Hội Nông dân tổ chức cuộc đối thoại với nông dân cả nước để nắm bắt được tâm tư, tình cảm, những vướng mắc khó khăn của người nông dân. Sau hai tuần triển khai, Ban tổ chức đã nhận được hơn 1 nghìn câu hỏi.

Ban tổ chức chọn lọc câu hỏi nhiều người quan tâm nhất, gom lại thành 4 nhóm vấn đề lớn, đó là: Thị trường và đầu ra cho nông sản; Vốn và đất đai; Công nghệ cho nông nghiệp và Quản lý vật tư nông nghiệp; Các vấn đề khác như môi trường nông thôn, lao động nông thôn, bảo hiểm nông nghiệp, chính sách đối với miền núi - dân tộc và nông thôn mới….

Chẳng hạn, trong buổi đối thoại, có nông dân đề xuất Nhà nước quan tâm giúp người trồng cam làm kho bảo quản lạnh để tăng giá trị cho quả cam, tránh bị ép giá trong mùa thu hoạch. Về vấn đề này, Thủ tướng giao trách nhiệm cho Bộ trưởng Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường. Bộ trưởng cho biết, ngay trong tháng 4 này, Bộ sẽ tổ chức một đoàn chuyên gia, mời lãnh đạo địa phương và nông dân thăm Nhật Bản, tiếp thu công nghệ bảo quản mát của họ để áp dụng vào thực tiễn, nhất là vùng sản xuất cây có múi.

Tương tự, nhiều vấn đề khác khi nông dân đề xuất trong cuộc đối thoại đã được Thủ tướng giao cho các bộ, ngành giải quyết ngay tức thì hoặc cam kết lộ trình thực hiện. Một đại biểu đã cảm kích: “Thật ra người nông dân đang gặp hạn, chẳng khác gì những thửa ruộng mà hai, ba năm không có mưa, bây giờ mưa xuống thì chắc sẽ giải quyết được nhiều vấn đề. Khi được Thủ tướng tiếp nhận và giải đáp vướng mắc, chúng tôi phấn khởi lắm”.

Chia sẻ với bà con nông dân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định chưa bao giờ nông nghiệp có được thành quả lớn như bây giờ, còn những việc như su hào, củ cải nhổ bỏ vì giá giảm, mía phải đốt đi vì không có nhà máy thu mua, chỉ là hiện tượng cục bộ, chúng ta phải tìm cách khắc phục. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý: "Trước khi gieo hạt, người nông dân cần phải tính "sản xuất bao nhiêu và bán cho ai" để việc tiêu thụ sản phẩm đạt hiệu quả cao".

Trước đây, trong phát triển nông nghiệp thường nhấn mạnh liên kết “4 nhà”, nhưng theo Thủ tướng, để phát triển bền vững nông nghiệp, giúp nông dân tránh cảnh được mùa rớt giá thì cần sự phối hợp giữa “6 nhà”: Nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà băng và nhà phân phối. Bên cạnh đó là xây dựng, quy hoạch sản xuất theo vùng, để làm sao sản xuất phù hợp với năng lực, điều kiện địa phương, chứ không phải làm ào ào như trước nay.

Bắc Giang là vùng trọng điểm phát triển nông nghiệp của cả nước, bài toán phát triển nông nghiệp bền vững của Bắc Giang chắc hẳn sẽ đạt được nhiều thành tựu hơn nhờ vào cuộc đối thoại của Thủ tướng với nông dân như trên.

Trần Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...