Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 33 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Quảng cáo... rởm

Cập nhật: 07:00 ngày 21/04/2018
(BGĐT) - Quảng cáo trên mạng xã hội đã trở thành một kênh quan trọng đối với nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Chỉ cần lập tài khoản trên các trang Facebook, Zalo là người ta dễ dàng đưa thông tin sản phẩm đến với hàng triệu khách hàng.

Nếu như nội dung quảng cáo trên báo in, báo điện tử, các trang thông tin điện tử và những loại hình báo chí khác đã được cơ quan chức năng kiểm soát tương đối chặt chẽ thì quảng cáo trên mạng xã hội vẫn đang bị buông lỏng và dẫn tới những hệ lụy khó lường.

Gần đây, nhiều người dùng Facebook chia sẻ hình ảnh một phụ nữ phẫu thuật thẩm mỹ bị hỏng khiến cả khuôn mặt phù nề, ai nhìn cũng thấy sợ. Nạn nhân trước đó vì tin vào lời quảng cáo “rẻ, đẹp, an toàn” của một cơ sở thẩm mỹ nên bỏ tiền ra làm đẹp mà không tìm hiểu kỹ về chất lượng dịch vụ, trình độ của các nhân viên tại đây. Bên cạnh đó, báo chí cũng đưa tin không ít trường hợp vì tin quảng cáo mà tìm đến phòng khám có bác sĩ Trung Quốc, sau đó bị “chặt chém” bằng rất nhiều thủ đoạn.

Những ngày qua, dư luận cả nước dậy sóng khi nhiều sản phẩm thuộc nhãn hàng Vinaca bị tố cáo làm từ bột than tre nứa. Trong suốt thời gian dài, trên trang Facebook của Công ty Vinaca (có trụ sở chính tại Hà Nội và chi nhánh tại nhiều tỉnh, TP trong cả nước) đưa ra những lời quảng cáo “có cánh” mà chẳng cơ quan chức năng nào kiểm duyệt, thẩm tra xem chất lượng thực của sản phẩm ra sao. Ví như sản phẩm Vinaca Co3 giá 2 triệu đồng/hộp được rêu rao là: “Sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư số 1 thế giới”. Theo giới thiệu, Vinaca ung thư Co3 có công dụng hỗ trợ điều trị ung thư ống tiêu hóa, hỗ trợ điều trị viêm, loét ống tiêu hóa, giải ngộ độc thực phẩm do hóa chất độc hại, chất phóng xạ từ nguyên nhân ăn uống hoặc vi khuẩn sinh tiết bên trong ống tiêu hóa... 

Không chỉ quảng cáo những công dụng hữu hiệu cho sản phẩm trên, Công ty Vinaca còn khuyến cáo dùng cho mọi lứa tuổi, kể cả trẻ con đang bú và phụ nữ mang thai. Rất nhiều người trong hoàn cảnh “có bệnh thì vái tứ phương” đã sử dụng Vinaca. Chỉ khi lực lượng quản lý thị trường, cơ quan báo chí vào cuộc đưa vụ việc nghiêm trọng này lên công luận thì người tiêu dùng mới biết đây là sản phẩm giả. Rất nhiều ý kiến lên án, bày tỏ bức xúc trước hành vi lừa dối của Công ty Vinaca bởi đối tượng doanh nghiệp này nhắm đến là nhóm bệnh nhân ung thư - những người vốn đã kiệt quệ về kinh tế vì chi phí điều trị lớn.

Để không trở thành nạn nhân của những thông tin quảng cáo rởm, người dùng mạng xã hội hãy thận trọng, tìm hiểu kỹ trước khi mua sản phẩm. Các cơ quan quản lý cần kiểm soát chặt nội dung quảng cáo trên mạng xã hội, đưa hoạt động này vào nền nếp.

Mai Thy

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...