Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 34 °C / 27 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Cập nhật: 08:42 ngày 16/05/2018
(BGĐT) - Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động (tháng 5-2018) với chủ đề: “Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp”. Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là những vấn đề “nóng” đang diễn ra trong thực tế hiện nay.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, mặc dù nhận thức của các cấp, các ngành, người sử dụng lao động và người lao động về công tác an toàn, vệ sinh lao động đã có chuyển biến tích cực; người sử dụng lao động, người lao động cũng có ý thức hơn trong việc chấp hành pháp luật về an toàn vệ sinh lao động song tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp vẫn gia tăng mạnh.

Năm 2017, trên phạm vi toàn quốc xảy ra gần 9 nghìn vụ tai nạn lao động, làm hơn 9 nghìn người bị nạn, trong đó, gần 900 người chết. Lĩnh vực xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động nhất chiếm gần 30%. Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang nửa cuối năm 2017 cũng liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn lao động làm một số người chết và bị thương.

Về sức khỏe lao động, bệnh nghề nghiệp và quan trắc môi trường lao động, tổng số người lao động tiếp xúc với yếu tố có hại được thực hiện khám phát hiện bệnh nghề nghiệp là hơn 295 nghìn trường hợp, trong đó cao nhất là điếc nghề nghiệp do tiếng ồn.

Nguyên nhân chủ yếu gây tai nạn lao động là do phương tiện, dụng cụ máy móc sử dụng không hoàn chỉnh: Thiếu các thiết bị an toàn, phòng ngừa như thiết bị khống chế quá tải, xuất hiện các hỏng hóc làm đứt cáp, gãy thang, gãy cột chống, sập giàn giáo. Trong quá trình lao động vi phạm quy phạm, quy trình an toàn, làm việc trong môi trường nguy hiểm về điện, vi phạm trình tự tháo cột chống…

Còn nguyên nhân gây bệnh nghề nghiệp là do thời gian làm việc liên tục và quá lâu, làm thông ca, cường độ lao động quá cao không phù hợp với tình trạng sức khỏe của công nhân; làm việc trong tư thế gò bó, công cụ lao động không phù hợp với cơ thể. Môi trường lao động thiếu ánh sáng; nơi làm việc chật chội, thiếu thiết bị thông gió, chống nóng, chống tiếng ồn, việc thực hiện quy tắc vệ sinh an toàn lao động chưa nghiêm.

Các chuyên gia y tế còn cảnh báo một số bệnh của “dân văn phòng” đang có chiều hướng gia tăng mạnh do ít vận động như bệnh xương khớp, cao huyết áp, đái tháo đường…

Nhằm giảm nguy cơ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp vấn đề truyền thông nâng cao nhận thức cho người lao động và người sử dụng lao động cần quan tâm hàng đầu. Người sử dụng lao động, người làm công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động cần tham dự các khóa tập huấn. Người lao động cần được đi khám sức khỏe định kỳ hằng năm và có chế độ chăm sóc sức khỏe phù hợp. Thiết thực hưởng ứng Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh cần tăng cường tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra và yêu cầu tự kiểm tra tại một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ rủi ro cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Trần Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...