Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 35 °C / 27 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Cẩn trọng không thừa

Cập nhật: 19:12 ngày 25/05/2018
(BGĐT) - Lâu lắm rồi, gần đây bệnh dại lại khiến dư luận lo lắng. Nguyên nhân có nhiều song tựu chung lại vẫn là do sự chủ quan, xem nhẹ của con người.

Bản thân người viết đã chứng kiến hai cái chết đau lòng do bệnh dại. Một người là hàng xóm, từng nhiều năm làm việc tại Iraq. Sau khi về nước, ông mở hiệu bán tạp hóa nhỏ. Một hôm, thấy con chó bỏ cơm, nghi bị hóc xương, ông lấy tay banh miệng con chó để kiểm tra. Không biết vì bị bệnh hay do hóc xương, vài hôm sau con chó lăn ra chết. Khoảng một tháng sau ông đổ bệnh. Người nhà đưa đi viện khám, các bác sĩ kết luận ông bị bệnh dại rồi qua đời. Trường hợp thứ hai là em nhỏ đang học lớp bốn. Trong một lần sang chơi nhà hàng xóm, em bị chó cắn. 

Thay vì đưa đi tiêm phòng, người thân lại chủ quan với lý do theo dõi con chó xem thế nào đã rồi tính. Nhà nông, việc đồng ruộng bận rộn, bẵng đi một thời gian, em lên cơn dại rồi qua đời. Khi đó, hỏi nhà hàng xóm mới hay con chó đã chết từ lâu.  

Một điểm chung ở hai trường hợp trên là trước khi qua đời, người bệnh phải vật lộn với những cơn co giật, khó thở, sợ nước, sợ gió, buồn nôn, sùi bọt mép… Qua đời vì bất kỳ nguyên do nào, trong đó có bệnh dại cũng để lại nỗi đau, sự ân hận khôn cùng của người thân. Song có một câu hỏi đặt ra, dại là bệnh phòng ngừa được nhưng vì sao vẫn có những cái chết thương tâm. Chị Ngô Thị T ở huyện Tân Yên cách đây mấy tháng cũng qua đời vì bệnh dại. Trước đó không lâu chị bị chó cắn vào chân. Vết cắn nông nên chị chủ quan không đi tiêm phòng. Đến khi đổ bệnh, người nhà mới tá hỏa đưa chị đến bệnh viện thì đã quá muộn. 

Có thể thấy, chủ quan là nguyên nhân chính dẫn đến những cái chết do bệnh dại. Để phòng ngừa, giải pháp đầu tiên là tiêm phòng kết hợp với quản lý đàn chó, mèo. Dù vậy tỷ lệ đàn chó, mèo được tiêm phòng nhiều khi lại chưa như mong muốn bởi sự thiếu hợp tác của người dân. Đó còn chưa kể không ít người bị chó, mèo cào, cắn thay vì đến cơ sở y tế tiêm phòng lại coi nhẹ hoặc tìm đến thầy lang chữa trị. Theo khuyến cáo của ngành y tế, mùa nắng nóng là thời điểm dễ bùng phát bệnh dại nên khi bị vật nuôi cắn, cào cần rửa ngay vết thương bằng xà phòng dưới vòi nước chảy, ngay sau đó đến cơ sở y tế tiêm vắc xin phòng bệnh. Các hộ dân, bên cạnh không thả rông cần chủ động thực hiện nghiêm việc tiêm phòng dại cho chó, mèo để bảo đảm an toàn cho người xung quanh. 

Chỉ khi nào mỗi người, mỗi nhà nhận thức rõ tính chất nghiêm trọng của bệnh dại thì khi đó mới chủ động có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu. Bằng không, nếu còn chủ quan, xem nhẹ thì vẫn xảy ra những cái chết thương tâm mà dường như ai cũng biết trước.

Lê Minh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...