Thứ ba, 16/04/2024
Bắc giang 27 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Theo dòng sự kiện
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội

Cập nhật: 09:33 ngày 31/05/2018
(BGĐT) - Sự bùng nổ của mạng xã hội bên cạnh mặt tích cực chia sẻ, lan tỏa những thông tin hữu ích thì cũng có nhiều thông tin giả, sai, xấu, độc hại, xúc phạm danh dự cá nhân, tổ chức, gây thiệt hại về kinh tế, bức xúc trong nhân dân. Cần xây dựng quy tắc chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội. 

Mấy ngày qua trên Facebook lan truyền thông tin: “Vải thiều Bắc Giang được mùa mất giá, 10 nghìn đồng 3 kg, bán không ai mua”. Nhiều tờ báo đã có bài phản bác đó là thông tin bịa đặt, nhằm mục đích ép người dân bán vải rẻ và “câu” view trên mạng xã hội.

Khảo sát của phóng viên cho thấy, năm nay thời tiết thuận lợi, năng suất, sản lượng vải thiều tăng mạnh nên giá thấp hơn so với đầu vụ năm ngoái. Hiện việc mua bán vải của người dân diễn ra rất thuận lợi, giá tuy có thấp hơn năm trước nhưng không có giá dưới 7.000 đồng/kg, hoặc 10.000 đồng/3kg; vùng vải VietGAP có giá 20.000 đồng/kg. 

Đó chỉ là một trong rất nhiều thông tin sai, giả trên mạng xã hội gây thiệt hại về kinh tế. Thời gian qua, ban đầu tin giả thường chỉ dừng ở một vài đường dẫn website ca ngợi ông bà lang dân tộc này, loại biệt dược nọ, gắn với ca sỹ A, người nổi tiếng B để vờ là người dùng uy tín. Còn tệ hại hơn là những dòng trạng thái trên mạng xã hội nói chuyện ô nhiễm tại một địa phương trong nước nhưng dùng hình ảnh của nước ngoài, xảy ra từ lâu khiến cơ quan chức năng phải vào cuộc điều tra mới phát hiện đó là tin giả. 

Đáng lo ngại trên mạng xã hội còn truyền bá nhiều thông tin xấu độc, xuyên tạc chính sách của Đảng, Nhà nước, đả kích chế độ, gây chia rẽ, thù hằn dân tộc, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân, bôi nhọ tổ chức. Việc lộ thông tin bí mật Nhà nước gia tăng, ảnh hưởng tiêu cực đến quốc phòng an ninh, trật tự xã hội.

Để hóa giải áp lực từ mạng xã hội gây hệ lụy đến cuộc sống thường ngày, Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Theo đó, quy tắc đề xuất những hành vi nên hay không nên, được hay không được của các đối tượng gồm nhà cung cấp mạng xã hội, cơ quan quản lý Nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan Nhà nước và người dân sử dụng mạng xã hội. 

Trong khi còn đang “thai nghén” Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội thì nhiều ý kiến đề xuất mặt trận truyền thông, báo chí cần phát huy tốt hơn nữa vai trò ngăn chặn những bất lợi từ mạng xã hội. Các tòa soạn cần đầu tư nhiều hơn vào nội dung chất lượng cao, cần có những hành động để đối phó với những nội dung thông tin bóp méo sự thật gây phương hại cho các cá nhân, tổ chức, quốc gia; đồng thời có các biện pháp nâng cao nhận thức cho công chúng nói chung về tin giả, tin xấu, độc hại. 

Thông tin phản bác nhanh sau khi có tin bịa đặt vải thiều 10.000 đồng/3kg trên mạng xã hội của một số báo như vừa qua rất đáng hoan nghênh.

Trần Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...