Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 30 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chuyện làng báo

Cập nhật: 09:08 ngày 21/06/2018
(BGĐT) - Hôm nay 21-6 là ngày hội của những người làm báo cả nước. Không phủ nhận những đóng góp to lớn của báo chí trong sự phát triển, đi lên của đất nước song đâu đó, vẫn có những phóng viên, nhà báo đánh mất mình, làm xấu đi hình ảnh của các nhà báo chân chính.

Có thời gian, anh em làng báo kháo nhau rằng có những phóng viên, cơ quan báo chí chuyên đi… đếm tầng, chuyên phản ánh các công trình xây dựng sai phép. Dù tôn chỉ mục đích của tờ báo (thường là báo điện tử) không mấy liên quan đến xây dựng nhưng không mấy ngày không thấy báo này “vạch lá tìm sâu” ở các công trình xây dựng, từ việc nhỏ đến lớn, thậm chí cả việc cỏn con chủ nhà quên “phủ bạt” cát sỏi cũng được bản báo cập nhật.

Mô tuýp chung của phóng viên này thường là đưa giấy giới thiệu của cơ quan báo chí, liên hệ với chính quyền sở tại sau đó đến gặp chủ công trình đề nghị “điều tra qua phản ánh của bạn đọc” và để lại số điện thoại, hẹn làm việc. Vấn đề phóng viên “đếm tầng” đặt ra cũng vô cùng to lớn, kiểu như: “Vấn đề này bạn đọc đang rất bức xúc, ban biên tập yêu cầu chúng tôi điều tra làm rõ”. Thậm chí, nhiều phóng viên dương oai ban biên tập rằng: “Các sếp chỉ đạo vụ này rất quyết liệt, phải làm tới cùng”… Loanh quanh thì “khổ chủ” nhỏ nhẹ trình bày, đưa phong bì “rút kinh nghiệm” là phóng viên về hoặc nếu “khổ chủ” rắn thì phóng viên gần xa đề nghị quảng cáo hoặc hỗ trợ bảo trợ thông tin…

Một người bạn làm cán bộ ở một cơ quan cấp sở tâm sự chân tình. Cơ quan có cán bộ mắc vi phạm, phải xử lý kỷ luật. Mặc dù kết luận kiểm tra đã có song nay báo này, mai báo khác đến được “đề nghị làm rõ” hay “trả lời cụ thể vụ việc trên, có bao che, dung túng không?”. Mà không hiểu sao nhiều báo không có chức năng nhiệm vụ liên quan tới việc này cũng liên tục xuất hiện, hỏi thăm. Nhóm ít thì 2 người, cá biệt vài ba báo cùng đến, rất phiền hà. Không tiếp phóng viên thì dễ dàng ngay lập tức “ăn đòn” trên báo rằng: “Khi phóng viên liên hệ với ông A, bà B thì nhận được câu trả lời đang họp. Liên hệ vài ba lần không nghe máy”… Nặng hơn, có báo còn quy chụp là trốn tránh báo chí, có dấu hiệu mập mờ, tiếp tay cho sai phạm trong khi vụ việc đã được các cấp có thẩm quyền ban hành, ra thông báo, kết luận.

Nghề báo là một nghề cao quý trong các nghề cao quý. Không ít nhà báo xả thân mình, không quản gian khó để đưa đến cho bạn đọc những thông tin chân thực nhất. Tuy nhiên, như đã nói, đâu đó vẫn còn những mặt trái trong số ít phóng viên, người làm báo. Nhân ngày của mình, nhắc lại những “góc khuất” trong nghề để mỗi nhà báo tự răn mình, soi vào để rút kinh nghiệm cho bản thân, để sao cho xứng đáng “bút sắc, lòng trong, tâm sáng”.

Thu Hương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...