Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 23 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Để sản phẩm làng ta vươn xa

Cập nhật: 10:22 ngày 13/07/2018
(BGĐT) - Ngày mai (14-7), tại TP Bắc Giang (Bắc Giang) diễn ra Hội nghị toàn quốc triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về “Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020”. Hy vọng từ đây sẽ có những giải pháp hữu hiệu chắp cánh cho “sản phẩm làng ta” vươn xa.

Sản phẩm từ làng đã có từ rất lâu đời, là nguồn sống của người dân thôn quê, trong thời gian rất dài chủ yếu là sản xuất tự cung, tự cấp. Với mục tiêu làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường toàn cầu, chương trình mỗi xã một sản phẩm ra đời và được áp dụng thành công tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Bắc Giang là một trong những vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước. Nhờ điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng thuận lợi, với đôi bàn tay cần cù, tài hoa, sáng tạo không ngừng, người dân Bắc Giang đã làm ra những sản vật nức tiếng gần xa như: Vải thiều Lục Ngạn, na, nhãn Lục Nam, lúa thơm Yên Dũng, bánh đa Kế, rượu làng Vân, mỳ Chũ...

Tuy nhiên, “sản phẩm làng ta” do tập quán làm ăn riêng lẻ, mang tính tự phát của người dân nên việc sản xuất manh mún, sản lượng cung ứng trên thị trường thiếu đồng nhất, chất lượng không cao, chưa có nhiều vùng chuyên canh nông sản chất lượng cao, khó cạnh tranh được với các nước trong khu vực.

Liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân chưa chặt chẽ. Nhiều nông dân chưa quen với việc sản xuất theo hợp đồng, chưa quen tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất hàng hóa, chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt mà chưa thấy được lợi ích lâu dài về sản xuất, tiêu thụ ổn định.

Việc tiêu thụ chủ yếu là bán thô, giá trị gia tăng thấp; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế. Còn ít doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Từ thực tế trên cho thấy, để sản phẩm của mỗi làng vươn xa thì phải làm sao cho mỗi người dân ở địa phương đều có thể tham gia một cách tự nguyện vào phong trào này với tư cách là chủ nhân của các hoạt động. Nông dân cần có tư duy sản xuất, kinh doanh như doanh nghiệp, biết hạch toán đầu vào, đầu ra, nắm chắc thông tin thị trường. Sản xuất ra sản phẩm có chất lượng cao, có nét riêng, có nhãn mác dễ nhận diện, bảo đảm an toàn thực phẩm với giá thành thấp. Sản xuất cái thị trường cần chứ không phải cái mình có.

Cấp ủy, chính quyền cần tập trung khuyến khích phát triển sản phẩm, dịch vụ thông qua tổ chức hợp tác xã. Hình thức hợp tác xã sẽ ràng buộc được các thành viên trong tổ chức sản xuất bởi quyền lợi của họ được hỗ trợ thông qua hợp tác xã. Cùng đó quan tâm việc kết nối cung cầu sẽ tạo sự liên kết chặt chẽ từ vùng nguyên liệu đến các chợ đầu mối, hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ. Việc phối hợp kịp thời của các doanh nghiệp sẽ đem lại hiệu quả cao trong việc tiêu thụ cũng như đặt ra các yêu cầu cho “sản phẩm làng ta” đưa ra những sản phẩm đạt chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh.

Trần Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...