Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 28 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Làm liều

Cập nhật: 10:36 ngày 03/08/2018
(BGĐT) - Hôm qua 2-8, TAND TP Bắc Giang đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với ba bị cáo nguyên là phóng viên một thời báo về tội cưỡng đoạt tài sản.

Từ một thông tin ngoài lề bêu xấu danh dự nhân phẩm một người, ba đối tượng này đã lợi dụng nghề nghiệp để gây sức ép vòi tiền. Vì không muốn liên lụy nên nạn nhân đã đưa cho các phóng viên 10 triệu đồng gọi là “hỗ trợ tiền xăng xe”.

Thấy ngon ăn, một tuần sau, ba đối tượng này lại mò về gặp nạn nhân và tiếp tục chiêu trò cũ, dọa nạt đưa lên báo để nạn nhân buộc phải đưa thêm tiền. Khi chúng nhận thêm 20 triệu đồng thì bị lực lượng chức năng bắt quả tang.

Tại phiên tòa, các bị cáo thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, mục đích nhằm đe dọa để lấy tiền của nạn nhân. Cả ba cũng khai báo không nhận được đơn thư phản ánh về nạn nhân, không được cơ quan cử đi công tác; chỉ vì tham lam, muốn kiếm tiền nhanh nên làm liều, vi phạm pháp luật.

Mức án dành cho ba bị cáo đã được Tòa tuyên nhưng bản án lương tâm, bản án của xã hội dành cho họ- những người được học hành và có hiểu biết còn nặng nề hơn. Dù đây chỉ là hiện tượng cá biệt song là lời cảnh tỉnh sâu sắc cho những người còn muốn mượn danh nghĩa phóng viên, nhà báo để làm điều bất chính.

Chúng tôi từng đề cập góc khuất trong làng báo, những hiện tượng, vụ việc “con sâu bỏ rầu nồi canh” như ba bị cáo nguyên là phóng viên này. Họ nghe hóng thông tin (mà cơ bản là những thông tin trái chiều), không kiểm tra, kiểm chứng và không có cơ sở song đã đến đặt vấn đề với tổ chức, cá nhân có liên quan và hù dọa. Họ lấy danh nghĩa điều tra xác minh qua đơn thư hay ý kiến phản ánh của bạn đọc để tăng sức nặng của vấn đề. Và rồi, họ lấy danh nghĩa cơ quan báo, danh nghĩa được lãnh đạo cơ quan cử đi điều tra về vụ việc này với những lời lẽ to tát, kiểu như “đang gây bức xúc trong dư luận” để buộc người có liên quan không biết có hay không có tội cũng đều không muốn dây dưa, đành đưa tiền gọi là…hỗ trợ kinh phí.

Có nhiều nhà báo chân chính, không quản khó khăn, nhọc nhằn, thậm chí cả tính mạng của mình để điều tra, nêu lên những chuyện tiêu cực, tồn tại để phản biện, làm xã hội tốt hơn lên. Có những nhà báo mà nhiều bài viết của họ mang sức nặng, là kênh thông tin quan trọng để chính quyền các cấp chỉ đạo, điều hành hiệu quả hơn.

Nghề báo là nghề cao quý và được xã hội tôn trọng, nhân dân thương yêu, tin tưởng. Rất cần đưa ra xét xử nghiêm minh những phóng viên biến chất, tham lam, lợi dụng uy tín nghề nghiệp để cưỡng đoạt tài sản, trục lợi cá nhân. Và cũng rất cần sự hợp tác của các tổ chức, cá nhân trong việc kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng khi bị phóng viên “rởm” nhũng nhiễu để họ không còn đất “diễn”, trả lại sự tin yêu và công bằng cho những nhà báo của nhân dân.

Hồng Tâm

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...