Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 26 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bảo vệ sản xuất và người tiêu dùng

Cập nhật: 10:02 ngày 30/09/2018
Vậy là cuối cùng tỉnh Lâm Đồng cũng đã “cấm cửa” với  khoai tây Trung Quốc bằng việc thực hiện nghiêm Quy chế hoạt động của Chợ nông sản Đà Lạt được xây dựng dựa trên mục đích, tiêu chí thành lập chợ ngay từ ban đầu. Theo đó, mọi hành vi lưu trữ, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa nông sản có xuất xứ ngoài địa phương vào chợ này đều bị cấm.

Chẳng là nhiều năm nay có tình trạng tiểu thương nhập khoai tây Trung Quốc với giá vài nghìn đồng/kg vào Chợ nông sản Đà Lạt rồi phù phép thành khoai tây Đà Lạt bằng cách rửa sạch và dùng máy móc tẩm đất đỏ Đà Lạt lên. Số khoai tây này sau đó được bán ra thị trường, tới tay người tiêu dùng với giá khoai tây Đà Lạt-khoảng 20.000 đồng/kg. Hành vi này không chỉ làm ảnh hưởng tới thương hiệu khoai tây của địa phương này mà còn xâm hại nghiêm trọng tới quyền lợi người tiêu dùng bởi mỗi cân khoai tây đội lốt Đà Lạt người tiêu dùng bị “móc túi” cả chục nghìn đồng. 

Trên thị trường hiện nay không chỉ có khoai tây  mà còn có vô số nông sản Trung Quốc khác như cà rốt, củ cải, hành tây, tỏi, gừng, bắp cải, súp lơ…Đặc điểm nổi bật của những sản phẩm này là củ (quả) to, đều nhau, nhìn bắt mắt nhưng giá thường thấp hơn so sản phẩm trong nước. Rau củ quả Trung Quốc có mặt khắp nơi từ thành thị tới nông thôn, miền núi, được bày bán cùng với nông sản Việt.  Đáng lo ngại là phần lớn nông sản Trung Quốc để được trong thời gian dài (1-2 tháng) mà không hư hỏng nên nhiều khả năng đã được bảo quản bằng những loại hóa chất không có lợi cho sức khỏe.

Thời gian qua, truyền thông hay sử dụng cụm từ “hãy là người tiêu dùng thông thái” với hàm ý nhắc nhở người tiêu dùng hãy tỉnh táo, cân nhắc kỹ khi chọn mua bất kỳ sản phẩm hàng hóa nào. Thế nhưng từ thực tế những gì diễn ra thời gian qua cho thấy việc này thực sự không dễ bởi không ai có thể biết hết mọi thứ và lúc nào cũng “thông thái” được. Người tiêu dùng chắc hẳn đã được phổ biến cách nhận diện nông sản Trung Quốc với sản phẩm trong nước nhưng với cách hô biến như kiểu khoai tây Trung Quốc thành khoai tây Đà Lạt thì khó có thể phân biệt được. Bởi vậy, vấn đề làm lành mạnh thị trường, bảo vệ sản xuất và quyền lợi người tiêu dùng cần sự nỗ lực hơn nữa của các cơ quan hữu quan.

Trở lại việc tỉnh Lâm Đồng không cho nông sản Trung Quốc vào Chợ nông sản Đà Lạt, một số ý cho rằng làm như vậy là “ngăn sông, cấm chợ”, không phù hợp với xu thế hội nhập hiện nay. Trung Quốc hiện là thị trường quan trọng của Việt Nam, nhất là lĩnh vực xuất khẩu nông sản, nếu phía Trung Quốc cũng cấm ngược lại thì hàng nông sản Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.  Thế nhưng phần lớn dư luận nhân dân đồng tình với cách làm này bởi nếu tiếp tục để tái diễn tình trạng nông sản Trung Quốc đội lốt Đà Lạt thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu của nông sản Đà Lạt cũng như quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng.

Huy Nam

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...