Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 32 °C / 26 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Văn bản sai, ai chịu?

Cập nhật: 08:34 ngày 08/10/2018
(BGĐT) - Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, qua công tác kiểm tra văn bản theo thẩm quyền đã phát hiện 5.639 văn bản trái pháp luật mà các bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền cấp tỉnh ban hành năm 2017. 

Đáng chú ý, các văn bản trái pháp luật được phát hiện ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân với các mức độ khác nhau.

Trong số đó có 1.236 văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật về thẩm quyền ban hành và nội dung; 3.829 văn bản quy phạm pháp luật sai sót về căn cứ pháp lý, thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản; 574 văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng có chứa quy phạm pháp luật. Tính riêng cấp bộ và cấp tỉnh, với tổng số 157 văn bản trái pháp luật thì cứ hơn hai ngày có một văn bản trái pháp luật được ban hành. Nếu chỉ tính những ngày làm việc (5 ngày/tuần), khoảng 1,5 ngày lại có một văn bản trái pháp luật được ban hành!

Chiểu theo các quy định, một văn bản sai thì người đứng đầu năm cơ quan (bao gồm cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm định, cơ quan trình, cơ quan thẩm tra và cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật) phải chịu trách nhiệm. Lại tính một cách cơ học tiếp, mỗi cơ quan này đều có bộ máy tham mưu, giúp việc; các chuyên viên, cấp phó sau mới đến thủ trưởng nên suy ra, người phải chịu trách nhiệm sẽ gấp vài lần, lên tới con số hàng chục nghìn người.

Trên thực tế, có rất ít người vì tham mưu hay ký sai các văn bản phải chịu trách nhiệm cả, trừ các trường hợp nghiêm trọng. Trong khi, theo đánh giá của Bộ Tư pháp, việc ban hành văn bản trái pháp luật để lại nhiều hậu quả, vừa làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, vừa ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự an toàn xã hội.

Chẳng hạn, một số văn bản quy định về thủ tục hành chính không đúng thẩm quyền làm phát sinh chi phí về hồ sơ, giấy tờ, thời gian để thực hiện. Điều này có thể phát sinh phiền hà, phức tạp trong quá trình người dân đi làm thủ tục hành chính. Một số văn bản có nội dung trái luật đưa vào thực thi gây thiệt hại về kinh tế, thời gian, công sức của người dân, doanh nghiệp, phát sinh khiếu nại, khiếu kiện…

Có thể nói, nội dung trái pháp luật của các văn bản đã ảnh hưởng tới tính đồng bộ, thống nhất và khả thi của hệ thống pháp luật. Văn bản vi phạm quy định về nguyên tắc xây dựng luật, vi phạm thẩm quyền đã “thể hiện sự nhờn luật”, “không nghiêm túc” trong xây dựng và ban hành văn bản rất cần chấn chỉnh, “chỉ mặt đặt tên”, quy trách nhiệm người làm sai để từ đó có hạn chế đến mức thấp nhất những văn bản sai, thiếu thực tiễn.

Bảo Châu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...