Thứ ba, 16/04/2024
Bắc giang 27 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Theo dòng sự kiện
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Đùng đoàng tiếng pháo

Cập nhật: 11:08 ngày 28/12/2018
(BGĐT)-Hôm diễn ra trận chung kết AFF Cup 2018 lượt về giữa Việt Nam và Malaysia tại sân vận động Quốc gia Mỹ Đình mới đây, khi đã nắm chắc phần thắng vì chỉ còn khoảng 1 phút nữa trận đấu sẽ kết thúc thì cũng là lúc mọi người nghe thấy tiếng pháo nổ đùng đoàng mừng chiến thắng ở nhiều nơi. 

Điều này cũng không quá ngạc nhiên bởi nhiều năm nay vào những ngày lễ tết như kỷ niệm chiến thắng 30-4, Quốc khánh 2-9, Tết dương lịch, Tết Nguyên đán hay mỗi khi có sự kiện, niềm vui lớn nhiều người lại mang pháo ra đốt như không hề biết có quy định cấm đốt pháo của Nhà nước. Không riêng ở thành thị mà ở vùng nông thôn, thậm chí vùng sâu vùng xa, nơi điều kiện kinh tế còn khó khăn, người dân cũng thường ăn mừng bằng việc đốt pháo với tần suất ngày càng dày. 

Pháo gắn với truyền thống văn hóa của người Việt Nam. Xưa kia, ông cha ta có truyền thống đốt pháo nổ trong đêm giao thừa để xua đuổi tà ma, đen đủi, xua đuổi những cái xấu của năm cũ, để có không khí tưng bừng đón xuân, hy vọng một năm mới tốt đẹp hơn hoặc đốt pháo trong những ngày có niềm vui lớn như cưới hỏi, lên nhà mới để mọi người thêm phấn chấn. Thế nhưng việc này đã kéo theo nhiều hệ lụy, pháo đã biến thành thứ vũ khí nguy hiểm với hàng ngàn vụ tai nạn, cháy nhà, chết người hoặc gây thương tật suốt đời, ảnh hưởng đến trật tự an ninh, tổn thất kinh tế, ô nhiễm môi trường...Từ thực tế đó, Thủ tướng Chính phủ đã cấm sản xuất, lưu thông, đốt pháo nổ từ 1-1-1995.

Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, người dân đã quen với việc ngày vui, ngày Tết không tiếng pháo cho đến những năm gần đây khi kinh tế khá giả tình trạng đốt pháo nổ lại diễn ra tại một số địa phương và có xu hướng tăng. Nhiều người biện minh cho việc làm này là do việc cấm đốt pháo đã diễn ra mấy chục năm nay đã đến lúc bỏ quy định này hoặc ở thành phố ngày lễ tết còn tổ chức bắn pháo hoa chứ ở nông thôn, miền núi chẳng có hoạt động gì nên đốt pháo...cho vui.

Thời gian qua, lực lượng Công an tỉnh Bắc Giang đã bắt giữ nhiều đối tượng vận chuyển pháo trái phép. Trong đó, đáng chú ý là vụ Công an huyện Hiệp Hòa bắt giữ Dương Văn Tứ (SN 1981), trú tại tổ 2, thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên; Bùi Ngọc Đông (SN 1991), trú tại thôn Đồng Nhĩ, xã Hoàng Thanh (Hiệp Hòa) vận chuyển pháo trái phép, thu giữ 10 thùng carton có 18 giàn pháo nổ do Trung Quốc sản xuất, tổng trọng lượng hơn 250kg. Theo Công an huyện Hiệp Hòa, đây là vụ bắt giữ pháo lậu lớn nhất trên địa bàn huyện trong nhiều năm nay. Dự báo, từ nay đến Tết Nguyên đán sắp tới, hoạt động vận chuyển, buôn bán pháo nổ chắc chắn còn diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. 

Thiết nghĩ để không còn tiếng pháo nổ đùng đoàng như thời gian qua, chính quyền, ngành chức năng nêu cao trách nhiệm trong việc quản lý, phát hiện và xử lý nghiêm những đối tượng buôn bán, vận chuyển pháo trái phép. Đối với những người có thói quen đốt pháo, dù có đưa ra lý lẽ cho việc mình làm như thế nào đi chăng nữa nhưng khi quy định của Nhà nước chưa có sự thay đổi thì việc làm này là vi phạm pháp luật và sẽ bị nghiêm trị.

Đông Dương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...