Thứ ba, 16/04/2024
Bắc giang 27 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Theo dòng sự kiện
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

“Giang hồ mạng”

Cập nhật: 08:45 ngày 11/04/2019
(BGĐT) - Thời đại công nghiệp 4.0, khi mà công nghệ chi phối mọi mặt của cuộc sống đã xuất hiện một nhóm người được đặt cái tên khá bi hài: “Giang hồ mạng”. Với đặc trưng dị thường, khác đời, đôi khi là lệch chuẩn, gây ồn ào trên mạng xã hội, nhưng đáng buồn thay nhiều người trẻ lại coi họ là thần tượng (!). 

Từ “giang hồ” vốn xuất hiện trong các tác phẩm nghệ thuật, nhất là truyện võ hiệp. Theo người xưa, hai tiếng “giang hồ” nhằm chỉ những người thích phiêu bạt, sống phóng khoáng; lấy võ công để bôn tẩu, hành xử nghĩa hiệp: “Giữa đường thấy sự bất bằng chẳng tha”; lấy phô diễn tài năng, sức mạnh võ nghệ làm niềm vui...

Còn “giang hồ mạng” là ai? Là Khá Bảnh, Dương Minh T, Huấn Hoa H, Dũng T… Họ đã làm gì?

Khá Bảnh để nổi trên mạng xã hội, để câu like đã từng cùng nhóm bạn dàn hàng ngang chụp ảnh trên đường cao tốc đăng facebook, đốt xe máy 70 triệu đồng rồi quay clip đăng youtube. Với tội danh tổ chức đánh bạc, Khá Bảnh đã bị công an bắt giữ.

Dương Minh T. chào cộng đồng mạng xã hội bằng những clip hài hước phê phán thói hư tật xấu của xã hội. Tuy có phần thô tục nhưng cũng khiến nhiều người tò mò thích thú. Có nhiều clip của Dương Minh T. nhanh chóng đạt hơn 100 nghìn like chỉ trong một ngày. Mới đây, “thánh chửi” Dương Minh T. gây xôn xao khi đến nhà của nữ sinh ở Hưng Yên bị 5 bạn cùng lớp đánh để trao 10 triệu đồng giúp đỡ.

Còn Huấn Hoa H. nổi danh trên mạng xã hội và các diễn đàn do thể hiện tính khí thích chơi ngông: Lái siêu môtô không đội mũ bảo hiểm, tặng thẻ cào điện thoại cho người nào like và chia sẻ fanpage của mình, chặt vàng để chứng minh mình đeo vàng thật...

Vì sao những chiêu trò dị thường của các “giang hồ mạng” lại thu hút nhiều người trẻ quan tâm như vậy. Lý giải điều này, các chuyên gia cho rằng, đó là xuất phát từ tâm lý tò mò, hiếu kỳ trước những điều khác lạ, dị biệt về thế giới anh chị ít được nói đến.

Ở lứa tuổi của mình, nhiều người trẻ thường thích thể hiện bản thân bằng cách này hay cách khác. Thấy cách của những "giang hồ mạng" có thể dễ nổi tiếng, thậm chí có khi còn kiếm nhiều tiền, có người muốn làm theo.

Điều cảnh báo từ thực trạng trên là trong xã hội liên tục xuất hiện những thông tin xấu, tiêu cực và dị biệt mà quên những giá trị nhân văn, tạo ra cái nhìn xã hội đen tối, thiếu an toàn.

Từ chuyện “giang hồ mạng”, một lần nữa gióng lên hồi chuông về giáo dục kỹ năng sống cho người trẻ. Trước hết là trong mỗi gia đình. Bởi vì công nghệ hiện hữu trong từng mái nhà, do đó, bố mẹ cần dành thời gian dạy con em mình xây dựng nguyên tắc, kỹ năng, các mối quan tâm, tiếp xúc với mạng xã hội.

Về phía nhà trường cần tổ chức nhiều lớp kỹ năng cho học sinh biết cách sử dụng và chọn lọc thông tin khi tiếp nhận hay đăng tải thông tin, hình ảnh lên trang cá nhân.

Nhiều ý kiến còn cho rằng, cách truyền thông người tốt việc tốt chưa đủ. Muốn át được những cái xấu, việc truyền thông người tốt việc tốt phải nhiều hơn, hấp dẫn hơn.

Trần Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...