Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 27 °C / 27 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Điều trẻ mong muốn

Cập nhật: 18:00 ngày 31/05/2019
(BGĐT) - Những ngày qua, bức thư “Điều em muốn nói” của một học sinh lớp 4 ở Hà Nội được đăng tải trên mạng xã hội thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. 

Được biết đây là đề bài văn cô giáo giao với yêu cầu viết như một bức thư gửi tới bố mẹ. Trong thư, cậu bé đề cập đến hai vấn đề. 

Thứ nhất là áp lực từ bố mẹ khi lúc nào cũng đòi hỏi con phải được 9, 10 điểm và không hài lòng, thậm chí đánh đòn khi chỉ được 7, 8 điểm. 

Thứ hai là việc bố mẹ không hiểu đam mê của cậu, trong khi không dành thời gian chơi, tham gia hoạt động cùng cậu nhưng lại cấm xem tivi, điện thoại…

Cuối thư, cậu bé cảm ơn bố mẹ đã sinh mình ra trên đời nhưng bày tỏ mong muốn có được sự thông cảm và thấu hiểu hơn. “Nhiều lúc con đang chơi, bố mẹ bắt con đi học. Lúc đấy con bực mình lắm. Con nghĩ bố mẹ phải chơi với con nhiều hơn và tham gia các hoạt động cùng con” là chia sẻ dễ thương của cậu bé.

Ngày nay, xã hội phát triển, điều kiện học tập của các em tốt hơn trước rất nhiều. Thế nhưng đi kèm với đó chính là áp lực học tập mà phần nhiều do người lớn tạo ra. 

Hầu hết các ông bố, bà mẹ đều lo con không theo kịp chúng bạn nên bắt đầu “cuộc đua” cho con học trước chương trình từ trước khi vào lớp 1. Rồi phụ huynh lại mong muốn con mình đứng trong tốp nọ, tốp kia của lớp, thi học kỳ, cuối năm đạt điểm cao để hãnh diện với bạn bè, đồng nghiệp nên không tiếc công sức, tiền của cho con học thêm. 

Nhiều cháu học cả ngày ở trường, tối về lại học phụ đạo ở nhà cô, ngay cả ngày nghỉ cũng phải đi học. Cứ như vậy trẻ bị cuốn vào vòng xoáy cho chính người lớn tạo ra, áp lực học tập, áp lực đạt điểm cao lúc nào cũng đè nặng lên vai các em. 

Nếu như ngày xưa, học sinh tiểu học được 7, 8 điểm được coi là khá, giỏi thì nay điểm số như vậy là vứt đi, phải 9,10 mới được. Chắc chắn rằng không riêng cậu bé lớp 4 kia bị bố mẹ mắng, thậm chí đánh khi được điểm 7,8 mà nhiều trẻ khác cũng "chịu chung số phận".

Học tập không bao giờ là thừa, ngay cả với những người trưởng thành. Đối với trẻ em, việc tích lũy tri thức, rèn luyện đạo đức, lối sống sẽ tạo tiền đề  quan trọng cho việc sau này trở thành người có ích cho xã hội. 

Việc các ông bố, bà mẹ ép con học, tạo áp lực cho con xét ở một góc độ nào đó thì không có gì là sai bởi ai cũng mong muốn con cái mình trở thành những người thành đạt, những người có ích cho xã hội, làm rạng danh tổ tiên, họ hàng.

Thế nhưng sẽ là không nên khi chỉ ép con học mà không tìm hiểu xem khả năng của trẻ đến đâu, mong muốn của các em là gì. Nhiều người đã từng đặt câu hỏi có thực sự là cần thiết không khi kỳ nào, năm nào con cũng được toàn 9,10. Trong số những điểm 9,10 đó có bao nhiêu điểm là do mối quan hệ mà không phải thực lực của các em?

Trở lại "bức thư" đáng yêu của em học sinh lớp 4 ở Hà Nội. Điều em mong ước là gì? Cậu bé mong không bị áp lực điểm 9,10; bố mẹ thông cảm, thấu hiểu cậu, cùng đó là dành thời gian tham gia các hoạt động với cậu nhiều hơn. 

Có lẽ không chỉ cậu học sinh lớp 4 này mà các em nhỏ khác cũng mong muốn như vậy. Thông điệp từ “bức thư” chắc chắn sẽ cảnh tỉnh nhiều phụ huynh khi gây áp lực cho con bằng việc theo đuổi kỳ vọng của chính bản thân mình.

Huy Nam

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...