Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 30 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bệnh bạch hầu, đừng chủ quan

Cập nhật: 13:45 ngày 08/07/2020
(BGĐT) - Hiện nay, bệnh bạch hầu đang diễn biến phức tạp tại một số địa phương trên cả nước. Riêng các tỉnh Tây Nguyên chỉ hơn một tháng qua đã ghi nhận 36 trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu, trong đó có 3 người tử vong. Để phòng tránh, chúng ta không hoang mang nhưng cũng không được chủ quan.

Trước tiên cần hiểu đúng về bệnh bạch hầu. Theo các bác sĩ, đây là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch. Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không bảo đảm. Bệnh có thể qua khỏi hoặc trở nên trầm trọng và tử vong trong vòng 6-10 ngày.

Thực tế qua các ổ dịch ở các tỉnh Tây Nguyên cho thấy sự nguy hiểm của loại bệnh này khi những ca bệnh xuất hiện ở nhiều lứa tuổi và ở cả những người đã tiêm phòng. Ngay TP Hồ Chí Minh cũng có trường hợp mắc, cảnh báo bệnh có thể lan đến các đô thị lớn, nơi tập trung đông người, nếu chủ quan, không có biện pháp phòng tránh.

Có thể phòng ngừa được bệnh bạch hầu không? Xin khẳng định là có bởi chúng ta đã có vắc- xin phòng bệnh, trẻ em ngay từ nhỏ nếu được tiêm phòng đầy đủ, kịp thời và tiêm nhắc lại theo hướng dẫn thì sẽ không mắc bệnh.

Hiện tỉnh Gia Lai đã cách ly cả một làng để ngăn ngừa dịch lây lan trong cộng đồng; cùng đó là đề nghị cấp khẩn 100 nghìn liều vắc-xin phòng bệnh. Các tỉnh Đắk Nông, Kon Tum… cũng chủ động các biện pháp, không để dịch bùng phát, cách ly kịp thời các trường hợp mắc…

Chúng ta đã qua gần 100 ngày không có người nhiễm Covid-19, là một trong số ít quốc gia đến thời điểm này khống chế thành công đại dịch và không có trường hợp nào tử vong. Kinh nghiệm từ việc chống Covid cho thấy việc tuyên truyền, phòng ngừa và dập dịch là vô cùng quan trọng.

Bệnh bạch hầu chưa lan ra các tỉnh phía Bắc song với nguy cơ lây bệnh và diễn biến bệnh phức tạp như hiện có, nếu chủ quan, lơ là, bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào.

Không quá chủ quan nhưng cũng không hoang mang. Cứ áp dụng và tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan y tế là mỗi người đã chung tay đẩy lùi bệnh bạch hầu ra khỏi cộng đồng.

Bộ Y tế họp khẩn ứng phó với bệnh bạch hầu
Chiều 7/7, tại Bộ Y tế, lãnh đạo Bộ Y tế đã có cuộc họp khẩn với các chuyên gia về phòng, chống bệnh bạch hầu, trong tình hình bệnh bạch hầu đang có dấu hiệu gia tăng tại một số tỉnh Tây Nguyên.
Lo ngại bệnh bạch hầu diễn biến phức tạp, người dân chủ động tiêm phòng
(BGĐT) - Trước diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu ở các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên, nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã chủ động đi tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu cho cả người lớn và trẻ em.
Học sinh xã Hải Yang nghỉ học 1 tuần để phòng chống bệnh bạch hầu
Ngày 6/7, Ủy ban nhân dân huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) cho biết: Để thực hiện công tác phòng, chống bệnh bạch hầu có hiệu quả, huyện đã thống nhất chủ trương cho nghỉ học 1 tuần đối với toàn bộ học sinh tại xã Hải Yang, huyện Đak Đoa - nơi phát hiện 10 ca bệnh bạch hầu, trong đó có 1 ca tử vong. Thời gian nghỉ bắt đầu từ ngày 6/7.
Gia Lai: Thêm 9 ca dương tính với bệnh bạch hầu
Chiều 5/7, ông Mai Xuân Hải, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai cho biết: 9/24 mẫu bệnh phẩm của các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhi Vung được xác định dương tính với bệnh bạch hầu. Trong 9 trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu có cha, mẹ của bệnh nhi Vung; các ca còn lại là họ hàng, người quen ở làng Bông Hiot. 

Hồng Sương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...