Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 29 °C / 26 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bài học về “nâng tầm nông sản”

Cập nhật: 08:39 ngày 27/12/2021
(BGĐT) - Nông sản của nhiều địa phương trong cả nước ùn ứ tại cửa khẩu với Trung Quốc những ngày gần đây đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Cần làm gì để nông sản Bắc Giang tránh hệ lụy tương tự.

Nhiều người đặt câu hỏi, vì sao đã biết tình trạng “dồn toa” ở cửa khẩu mà các nhà xe vẫn ùn ùn chở nông sản đổ về? Câu trả lời là, nếu xe hàng nào đáp ứng các điều kiện kiểm duyệt để qua được biên giới thì các chủ hàng, đối tác Trung Quốc sẵn sàng trả giá cao, vì thị trường của họ đang khan hàng. Tuy nhiên, trước yêu cầu kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt, mất nhiều thời gian kiểm duyệt nên các xe phải chờ đợi lâu, số xe sang được biên giới “nhỏ giọt”.

Thông tin từ báo chí cho thấy, sau thời gian dài nằm chờ tại cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị (Lạng Sơn), nhiều tài xế và chủ hàng buộc phải đưa xe tải thùng lớn quay đầu và đỗ dọc quốc lộ 1A để mở thùng bán mít, chuối, xoài, sầu riêng… với giá rẻ như cho nhằm gỡ lại phần nào chi phí.

Nguyên nhân nông sản ùn ứ ở cửa khẩu không chỉ do phía Trung Quốc kiểm duyệt gắt gao để phòng, chống dịch Covid -19 mà đáng lưu ý theo phân tích của các chuyên gia thì thị trường Trung Quốc đã ngày càng “khó tính” hơn. Được biết, trong 10 tháng của năm 2021, Trung Quốc đã có 42 thông báo những thay đổi về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật. Vì thế mà tỷ lệ các lô hàng trái cây của ta không đạt kiểm dịch của Trung Quốc, đặc biệt là chỉ tiêu sinh vật có hại trong trái cây nên làm tăng tỷ lệ kiểm tra, gây chậm trễ trong thông quan.

Các cơ quan chức năng, nhà khoa học đã nhiều lần cảnh báo, việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc chủ yếu theo đường tiểu ngạch, kiểu mạnh ai nấy làm, thiếu sự điều tiết. Tức là, hợp đồng mua bán nông sản hầu hết không bảo đảm chắc chắn về mặt pháp lý theo thông lệ quốc tế nên phần lớn rủi ro phía người bán sẽ phải gánh.

“Trông người lại ngẫm đến ta”. Bắc Giang cũng có nhiều loại nông sản xuất bán sang Trung Quốc như vải thiều, nhãn, gia súc, gia cầm. Từ bài học trên, cả người sản xuất và thương nhân buôn bán nông sản cần sớm khắc phục cách làm ăn dễ dãi mà cần tập trung "nâng tầm nông sản" để chinh phục thị trường xuất khẩu theo chính ngạch.

Để được như vậy, với người sản xuất từ khâu giống, thu hoạch, chế biến cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, đáp ứng các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Với các thương nhân, doanh nghiệp cần sớm khắc phục kiểu ăn mỏng, lãi non, chỉ giao dịch ở biên mậu mà cần quan tâm nghiên cứu, ký kết đưa hàng sâu vào thị trường theo hợp đồng chính ngạch.

Bài học kinh nghiệm từ sản xuất, tiêu thụ vải thiều cũng là cho nhiều loại nông sản khác là mở thêm thị trường xuất khẩu mới. Các thị trường “khó tính” vừa bán được giá cao nhưng đồng thời cũng tạo áp lực cho người trồng về “nâng tầm nông sản”. Đáp ứng được các thị trường như Mỹ, Nhật, châu Âu thì hẳn là sẽ vào được thị trường Trung Quốc. Và trên thực tế thì Trung Quốc vẫn luôn là một thị trường lớn, nhiều tiềm năng.

Việc nông sản ùn ứ ở cửa khẩu Trung Quốc, vấn đề “nâng tầm nông sản” không phải bây giờ mới nêu ra và việc khắc phục không thể một sớm một chiều nhưng không triển khai nhanh những giải pháp căn cơ cho vấn đề này thì tình trạng trên sẽ vẫn tái diễn và thiệt hại là nhãn tiền.

Trần Anh

Nông sản hàng hóa cấp tỉnh nâng cao chất lượng, tiêu thụ thuận lợi, hiệu quả
(BGĐT) - Ngày 23/12, Sở Công Thương tổ chức hội nghị tổng kết Đề án “Xây dựng và phát triển nông sản hàng hóa đạt tiêu chí cấp tỉnh, giai đoạn 2019 - 2021”. Tham dự có đại diện lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, một số sở, ngành, lãnh đạo Phòng Kinh tế - Hạ tầng một số huyện và doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) tham gia đề án.
Bàn giải pháp tháo gỡ ùn tắc nông sản ở cửa khẩu Lạng Sơn
Ngày 20/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng tỉnh Lạng Sơn đã cùng họp bàn, đưa ra giải pháp nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Buổi làm việc còn có sự tham gia của Tham tán Thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, ông Hồ Tỏa Cẩm.
Bắc Giang: Tiêu thụ nông sản thuận lợi sau hội nghị xúc tiến trực tuyến
(BGĐT) - Thông tin từ các cơ quan chức năng, tính từ sau hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ cam, bưởi và các nông sản chủ lực, đặc trưng (ngày 11/11), đến nay, nhiều sản phẩm được thu mua thuận lợi, giá bán cao, ổn định. 


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...