Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 30 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chuyện rác không nhỏ

Cập nhật: 08:20 ngày 19/01/2022
(BGĐT) - Từ ngày 1/1 năm nay, theo quy định tại Điều 75, Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020, rác thải sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân phải được phân làm 3 loại: Có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn khác. 

Trường hợp không phân loại và sử dụng bao bì chứa rác không đúng quy định, các cơ sở thu gom, vận chuyển có quyền từ chối thu gom, vận chuyển, đồng thời thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước hết phải khẳng định việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn không là chuyện nhỏ, đây là việc làm cần thiết để có phương pháp xử lý phù hợp. Chúng ta đều biết, rác được phân loại từng nhóm để có thể tái chế, chôn lấp, đốt… bảo đảm hài hòa lợi ích về kinh tế và BVMT. Hành vi không phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 55/2021/NĐ-CP với mức từ 15 đến 20 triệu đồng.

Tại Bắc Giang, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh khoảng 950 tấn/ngày nhưng tại nhiều gia đình chưa được thu gom, phân loại, xử lý triệt để, đúng quy định. Nhiều hộ còn xả bừa bãi ra vườn, ven đường, ao, hồ, khu đất công... gây khó khăn cho thu gom, xử lý, làm mất mỹ quan, thậm chí gây ô nhiễm môi trường. 

Dù quy định đã có hiệu lực nhưng hiện vẫn dễ dàng bắt gặp các bao tải, túi ni lông chứa lẫn lộn nhiều loại rác thải chưa phân loại ven đường giao thông, dưới lòng một số tuyến kênh, khu dân cư hay tại điểm thu gom. Trên nhiều tuyến phố ở TP Bắc Giang, nhiều túi rác thải chưa phân loại, không chỉ gồm rau củ quả, thức ăn thừa mà còn túi ni lông, vỏ bánh kẹo và thậm chí cả khẩu trang đã qua sử dụng.

Được biết trước đây, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã ban hành và thực hiện có hiệu quả Đề án “Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên, phụ nữ thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình, giai đoạn 2017-2021”. 

Ngày 29/12 vừa qua, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Quyết định phê duyệt Đề án tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên phụ nữ thực hiện thu gom, phân loại, đổ rác thải sinh hoạt đúng quy định trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Hội có trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện; kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương theo quy định.

Mặc dù chúng ta có sự chủ động trong triển khai, thực hiện Luật BVMT năm 2020 nhưng thực tế vẫn còn bất cập. Nhiều ý kiến cho rằng việc thông tin, tuyên truyền về quy định bắt buộc phân loại rác thải tại nguồn cũng như các nội dung liên quan chưa được quan tâm đúng mức, hầu như chỉ mới tập trung sau khi Luật được thông qua năm 2020. 

Do vậy, người dân chưa có nhận thức đầy đủ về trách nhiệm phân loại rác thải sinh hoạt. Cùng đó, việc bố trí địa điểm chứa rác ở một số nơi còn thiếu, thùng chứa loại rác thải khác nhau cũng như bao, túi chứa từng loại rác theo quy định cũng chưa có. Nói cách khác, người dân chưa được tạo điều kiện cần và đủ để thực hiện nghiêm quy định này. Đó là chưa kể những khó khăn trong kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm.

Theo Luật BVMT năm 2020, cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể của công tác này. Điều đó có nghĩa là việc thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại mỗi gia đình có đạt kết quả hay không, phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức, hành động của mỗi người dân. 

Đây là chuyện không nhỏ và để quy định này được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, cần làm tốt công tác vận động, tuyên truyền đi đôi với tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia. Mặt khác mỗi người dân, mỗi gia đình cần nhận thấy trách nhiệm thực hiện vì lợi ích của chính mình và cả cộng đồng.

Bảo Khánh

Bắc Giang: Tỷ lệ rác thải thu gom được xử lý đạt 94%
(BGĐT) - Thực hiện hai tháng cao điểm thu gom, vận chuyển, xử lý triệt để rác thải phát sinh (tháng 12/2021 và tháng 1/2022) theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, các huyện, thành phố đã chủ động và có nhiều nỗ lực trong công tác này.
Xóa các "điểm nghẽn" trong xử lý rác thải nông thôn-bài 2: Nguyên nhân và giải pháp xử lý
(BGĐT) - Thực tế cho thấy, để hoạt động thu gom, xử lý rác có hiệu quả bền vững, bên cạnh tuyên truyền, nhân rộng điển hình, cơ quan chuyên môn, các địa phương trong tỉnh Bắc Giang cần quan tâm tháo gỡ 3 "điểm nghẽn" trong xử lý rác thải nông thôn hiện nay. Đó là thiếu điểm tập kết, thiếu lò đốt và tổ chức nhân lực thu gom, xử lý rác bài bản, chuyên nghiệp.
Xóa các "điểm nghẽn" trong xử lý rác thải nông thôn-bài 1: Nhiều điểm tồn lưu rác kéo dài
(BGĐT) - Thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 27/2/2020 của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy về việc huy động toàn dân ra quân thu gom, xử lý triệt để rác thải ra môi trường, đến nay hoạt động này đã có chuyển biến tích cực, tỷ lệ rác được thu gom, xử lý nâng lên. Tuy nhiên, tại một số địa phương trong tỉnh Bắc Giang, tình trạng rác tập kết ngay ven đường, lấn kênh mương gây ách tắc dòng chảy, ô nhiễm môi trường vẫn xảy ra, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân.
Tập trung hoàn thành các nhiệm vụ thu gom, xử lý rác thải
(BGĐT) - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa có Công văn yêu cầu các Sở, ngành, đơn vị và UBND các huyện, thành phố tập trung hoàn thành các nhiệm vụ thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022.

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...