(BGĐT) - Cứ mỗi dịp nghỉ Tết cổ truyền, nhiều doanh nghiệp (DN) lại ngược xuôi lo thiếu hụt lao động. Tết Nguyên đán năm nay, nỗi lo nhiều hơn bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số công nhân khó bảo đảm được sự an toàn để trở lại làm việc đúng hẹn cùng với nhu cầu tuyển mới nhiều dễ xảy ra tình trạng nhảy việc, bỏ việc. Nhiều DN đã có cách giữ chân lao động nhằm ổn định và phát triển sản xuất.
Là DN lớn tại Khu công nghiệp (KCN Đình Trám), nhiều năm qua, Công ty TNHH sản xuất Sanwa Việt Nam thường xuyên có các hoạt động chăm lo, gắn kết công nhân với đơn vị. Năm nay, DN sớm công bố mức thưởng Tết để người lao động yên tâm làm việc.
Mặc dù năm qua bị ảnh hưởng của dịch, cớ thời điểm DN phải dừng sản xuất, công nhân nghỉ việc phòng, chống dịch (PCD) và hiện đơn vị vẫn phải bỏ ra khoản chi phí lớn cho công tác PCD nhưng đơn vị vẫn luôn quan tâm chăm lo Tết chu đáo cho lao động.
Theo đại diện DN, năm nay đơn vị thưởng 1,5 tháng lương/lao động bởi đây là “vốn quý” của DN, chăm lo cho công nhân chính là gắn kết người lao động để họ yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với DN.
Nhiều DN trên địa bàn cũng có nhiều cách giữ chân công nhân sau Tết như thưởng Tết cao, tổ chức cho công nhân ở lại ăn Tết nếu có nhu cầu, chương trình “Tết sum vầy – Xuân bình an”, tặng quà cho người lao động, đưa công nhân về quê và đón trở lại làm việc sau Tết, chủ động giữ thông tin, liên lạc để gọi người lao động đi làm, tăng giá trị ngày công lao động dịp trước và sau Tết, lì xì cho công nhân ngày đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ, chi thưởng trước và sau Tết…
Để hỗ trợ DN, nắm bắt tình hình lao động trong KCN, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý Các KCN tỉnh đã yêu cầu các DN rà soát và thực hiện đúng các chế độ, chính sách với người lao động theo quy định của pháp luật, các thỏa thuận trong hợp đồng, thỏa ước lao động tập thể, các quy định trong nội quy, quy chế của DN, nhất là tiền lương, thưởng, sớm công khai cho người lao động biết.
Thực tế pháp luật không quy định DN phải thưởng Tết cho người lao động nhưng nhiều DN đã quan tâm duy trì chế độ thưởng hằng tháng, tháng thứ 13 để giữ chân lao động, gắn bó dài lâu với đơn vị. Cùng đó, chính quyền các địa phương, Liên đoàn Lao động tỉnh cũng phối hợp với DN tổ chức nhiều hoạt động chăm lo Tết cho công nhân, nhất là những trường hợp khó khăn. Dịp này trên địa bàn không ghi nhận tình trạng đình công, lãn công xảy ra tại DN liên quan đến lương, thưởng và các chế độ phúc lợi với người lao động.
Được biết sau Tết Nguyên đán, có nhiều DN thành lập mới đi vào hoạt động hoặc một số đơn vị lên kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất, nhu cầu tuyển dụng lao động rất lớn. Vì vậy nhiều DN cho rằng, cùng với sự chủ động từ phía DN bằng các chính sách ưu đãi giữ chân lao động thì chính quyền các địa phương, ngành chức năng hỗ trợ DN trong tuyển dụng lao động, tạo môi trường cạnh tranh thu hút công nhân bình đẳng giữa các DN, làm lành mạnh thị trường lao động.
Bảo Khánh
Hướng về người lao động(BGĐT) - Các ngành, địa phương, đoàn thể đang dồn sức chăm lo Tết cho các đối tượng chính sách, gia đình hoàn cảnh khó khăn, lao động nghèo bị ảnh hưởng nặng nề do tác động của dịch Covid -19.
"Tết sum vầy - Xuân bình an" cho công nhân lao động(BGĐT) - Sáng 16/1, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Yên Dũng (Bắc Giang) phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện tổ chức chương trình “Tết sum vầy - Xuân bình an” năm 2022 cho công nhân lao động.