Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 33 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tôn trọng quyền của học sinh

Cập nhật: 07:49 ngày 12/12/2022
(BGĐT) - Chưa bao giờ học sinh có nhiều kỳ thi như hiện nay. Thi tháng, thi giữa kỳ và thi khối (với học sinh THPT). Chưa kể, các kỳ thi này còn theo từng cấp: Cấp trường, cấp huyện, thành phố và toàn tỉnh…

Tất nhiên có học thì phải có thi, thi để đánh giá năng lực, học lực của học sinh để có phương pháp dạy học tốt hơn nhưng nỗi ám ảnh nhất với học sinh là bị bêu tên trước trường, trước lớp, thậm chí cả trên mạng xã hội khi bị điểm kém.

Đầu giờ sáng, nhóm zalo của hội phụ huynh một lớp THPT nhận được liền lúc hai bảng điểm thi của con em mình. Một bảng điểm chung của lớp, cháu nào môn gì, điểm mấy, xếp thứ bao nhiêu và một bảng là danh sách học sinh tổng điểm 3 môn thi theo khối dưới 15 điểm của toàn trường. Chưa hết ngỡ ngàng thì chỉ lúc sau, một số phụ huynh đã chia sẻ bảng điểm đó lên mạng xã hội, khoe khéo thành tích học tập của con mình. Chưa hết, giờ chào cờ đầu tuần, Ban Giám hiệu nhà trường đã công khai danh sách học sinh bị điểm kém ở từng lớp và phê bình các em trước toàn trường.

Không ít nhà trường hiện có cách phê bình học sinh có kết quả học tập chưa cao như này, đặc biệt ở những khối lớp chuẩn bị thi vượt cấp, thi tốt nghiệp, đại học, cao đẳng. Hay những em mắc lỗi như đi học muộn, nói chuyện riêng trong giờ, không đeo khăn quàng… cũng bị thầy cô “bêu”, thậm chí kỷ luật bằng hình thức đứng trước bảng quay xuống lớp cả giờ, không cho học.

Những cách phê bình, xử phạt đó có làm học sinh tốt lên không trong khi các em đang bước vào tuổi dậy thì, thay đổi tâm sinh lý và rất nhạy cảm. Bị thầy cô phê bình, dù điểm kém hay là những vi phạm nội quy trước trường, trước lớp, thầy đọc tên đến đâu, các bạn lại “ồ” lên đến đó, mọi ánh mắt đổ xô vào. Ở lớp thì tẽn tò đứng bảng một mình, các bạn bên dưới xì xào, chỉ trỏ, cười cợt khiến nhiều em tâm sự lúc đó chỉ muốn chui xuống đất, rất xấu hổ.

Đã có không ít những phản ứng tiêu cực xảy ra khi học sinh bị giáo viên kỷ luật mà không bao giờ chúng ta muốn nhắc tới. Nhưng nếu không kỷ luật, không nhắc nhở thì liệu giáo viên có bị làm khó, bị tước đi quyền giáo dục của mình và các em sẽ nhờn, sẽ “dân chủ quá chớn” mà không chịu phấn đấu, rèn luyện.

Thực tế, không chỉ riêng lĩnh vực giáo dục, trong phạm vi nhà trường, với học trò mà nói rộng ra, ở bất cứ lĩnh vực gì, xã hội nào, cũng phải có sự phê bình, nhắc nhở, xử lý để giữ nghiêm kỷ cương. Vấn đề quan trọng là cách thức, hình thức nhắc nhở như thế nào để các em tâm phục, khẩu phục, nhận ra cái sai của mình để sửa chữa và tiến bộ.

Ngay chuyện liệt kê danh sách học sinh điểm kém nhất trường, nhất lớp gửi rộng rãi cho phụ huynh và đọc tên, phê bình trước cờ, thời buổi công nghệ thông tin, sổ liên lạc điện tử, zalo, điện thoại, thầy cô hoàn toàn có thể gửi bảng điểm riêng cho từng phụ huynh, nếu cần góp ý thì trao đổi riêng. Làm như vậy vừa bảo đảm quyền riêng tư của học sinh mà gia đình lại nắm bắt được cụ thể, trực tiếp và sâu sát kết quả học tập của con em mình.

Chưa kể Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, từ ngày 1/11/2020, không được xử lý kỷ luật học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện bằng hình thức phê bình trước lớp, trước trường. Thay vào đó là nhắc nhở, hỗ trợ học sinh và khiển trách, thông báo với gia đình…

Giáo dục là cả một nghệ thuật nên không có một công thức chung cho tất cả mọi học sinh. Có học sinh nhờ sự động viên, khích lệ, khen thưởng mà tiến bộ. Có em nhờ thầy cô tận tâm, nghiêm khắc mà trưởng thành. Chưa kể, từ phía phụ huynh, đừng bao giờ chê bai, so sánh con mình với đứa trẻ khác hay ca tụng, kỳ vọng quá lớn vào chúng.

Khen hay chê, biểu dương hay phê bình là rất cần thiết và nhiều khi, nó là cả nghệ thuật, sự tinh tế, đúng lúc đúng chỗ. Hãy tôn trọng quyền của học sinh và lắng nghe chúng để có cách giáo dục phù hợp, vừa kỷ cương vừa tình thương và trách nhiệm mà thầy vẫn là thầy, trò vẫn là trò.

Hồng Thu

Bảo đảm an toàn cho công nhân
(BGĐT) - Trước tình trạng xe đưa đón công nhân trên địa bàn tỉnh hoạt động lộn xộn, có nguy cơ mất an toàn, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa có văn bản chỉ đạo về việc tăng cường kiểm tra, xử lý, ngăn chặn tình trạng này.
“Tiền mất, tật mang”
(BGĐT) - Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh hôm qua 6/12 đang tiếp nhận, làm rõ vụ cô gái 25 tuổi tử vong sau khi đi phẫu thuật thẩm mỹ tại Trung tâm thẩm mỹ KeyBeauty Center. 
Chia sẻ bằng thấu hiểu, cảm thông
(BGĐT) - Thực hiện phong trào thi đua “Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Giang (cơ quan Thường trực Ban vận động) vừa ban hành kế hoạch vận động, thăm và tặng quà Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động
(BGĐT) - Biến động của tình hình thế giới khiến nhiều ngành xuất khẩu chủ lực cả trong và ngoài tỉnh Bắc Giang sụt giảm đơn hàng, phải cắt bớt hoặc cho lao động nghỉ luân phiên. Rất cần sự hỗ trợ kịp thời của các cấp, ngành cho doanh nghiệp và người lao động nhằm giảm bớt khó khăn trong khi Tết đã cận kề.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...