Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nóng... phạt nguội

Cập nhật: 08:09 ngày 17/03/2023
(BGĐT) - Thời gian qua, nhiều trường hợp vi phạm luật giao thông được hệ thống camera ghi nhận, sau đó lực lượng chức năng thông báo trên trang thông tin điện tử của Công an tỉnh và một số trang mạng để người vi phạm biết, tự giác đến địa điểm được thông báo để giải quyết, chấp hành phạt nguội.

Rất nhiều người bất ngờ khi xe máy, ô tô do mình điều khiển liệt vào danh sách vi phạm nhưng cũng “tâm phục khẩu phục” khi xem lại video, hình ảnh bằng chứng rõ ràng về biển số xe, thời gian, địa điểm và lỗi vi phạm, chứ không phải bỗng dưng… bị phạt!

Tại thành phố Bắc Giang, từ đầu tháng 3 đến nay, mỗi ngày lực lượng chức năng đã thông báo và phạt nguội hàng chục phương tiện với các lỗi: Không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông, đè vạch kẻ đường, rẽ trái tại nơi có biển báo cấm rẽ, không đội mũ bảo hiểm. Thậm chí có những trường hợp vi phạm nhiều lần trong ngày như xe mô tô biển số 98B3-815.92 vượt đèn đỏ 2 lần vào ngày 13/3, xe ô tô biển kiểm soát 98D-003.27 vượt đèn đỏ 2 lần trong ngày 15/3… Ở huyện Lục Nam, Hiệp Hòa cũng ghi nhận nhiều trường hợp vi phạm.

Câu chuyện về phạt nguội không còn mới lạ. Bởi hình thức này đã được thực hiện ở một số nơi trong nước từ khá lâu. Đây là hình thức xử lý sau khi các phương tiện đã vi phạm luật giao thông được một khoảng thời gian nhất định, không phải ngay sau khi phạm luật. Phạt nguội được người dân đồng tình ủng hộ trong bối cảnh phương tiện tham gia giao thông ngày càng nhiều mà ý thức chấp hành luật giao thông của một bộ phận người dân còn hạn chế. Trong khi đó, lực lượng công an không thể kiểm soát 24/24 giờ toàn bộ các tuyến đường, đồng thời việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quá trình kiểm tra, xử lý bảo đảm an toàn giao thông đang là yêu cầu cấp thiết đặt ra.

Từ khi hình thức phạt nguội được áp dụng, không chỉ người điều khiển xe máy mà các “tài” ô tô cũng cẩn trọng, chuẩn chỉnh hơn mỗi khi tham gia giao thông, bất kể có phải trong tháng cao điểm an toàn giao thông hoặc có chuyên đề, có bóng dáng “chiến sĩ áo vàng” hay không, qua đó ý thức tham gia giao thông được nâng lên, hình thành thói quen tốt, nét văn hóa mỗi khi đi đường. Người điều khiển phương tiện được hệ thống camera giám sát khách quan, bảo đảm dù vô tình hay hữu ý vi phạm đều được xác định rõ ràng và công khai, minh bạch trong xử phạt.

Câu chuyện phạt nguội đang là đề tài nóng hổi, nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận. Không phủ nhận rằng, từ khi có chế tài phạt nguội, tình trạng vi phạm giao thông giảm đáng kể. Thế nhưng, không phải tất cả lái xe đều có ý thức tự giác thực hiện đúng quy định, đã có trường hợp chống đối bằng cách dùng biển số giả, che biển số, tháo biển số, thậm chí khi đã vi phạm còn có ý định chây ỳ, trốn phạt nguội. Tuy nhiên với quy định hiện hành, người vi phạm sớm muộn cũng sẽ phải chấp hành, dù xe đó có chính chủ hay không, người điều khiển xảy ra vi phạm là ai.

Nhiều ý kiến còn cho rằng, việc phạt nguội sẽ giúp tránh được tình trạng đi đường “tùy hứng” khi không thấy cảnh sát giao thông và cũng không còn xảy ra những vụ việc chống đối lực lượng chức năng khi đang làm nhiệm vụ trên đường như trước đây. Tuyên truyền, giáo dục Luật Giao thông đường bộ cũng đã nhiều, giờ cần phải mạnh tay xử phạt để mọi người mỗi khi ra đường sẽ bớt lo lắng vì tai nạn, xã hội văn minh hơn. Và để phạt nguội tránh được những tranh cãi không đáng có thì hệ thống camera giám sát, đường sá, vạch kẻ, biển báo, đèn đường cũng phải rành mạch, chuẩn chỉnh và rõ ràng hơn.

Bảo Khánh

Gỡ khó cho thị trường bất động sản
(BGĐT) - Thị trường bất động sản "đóng băng" nhiều tháng qua gây hệ lụy cho phát triển kinh tế - xã hội, rất cần các giải pháp đồng bộ tháo gỡ khó khăn để thị trường này hoạt động ổn định, an toàn, lành mạnh.
Cuộc điện thoại lừa đảo
(BGĐT) - Gọi điện thoại cho phụ huynh yêu cầu chuyển tiền cấp cứu cho con là thủ đoạn lừa đảo mới, nghe khó tin nhưng đã có một số người sập bẫy.
Quản lý an toàn, minh bạch tiền công đức
(BGĐT) - Tiền công đức lâu nay không được kiểm toán, không công khai để người dân biết tiền đó được sử dụng thế nào. Nhằm khắc phục phần nào tình trạng này, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 04/2023, hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính trong tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...