Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Photo
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chiều mùa hạ ở "Nhà của Pao"

Cập nhật: 10:09 ngày 04/06/2020
Chiều mùa hạ ở "Nhà của Pao", khi nắng đã bớt gay gắt xuống nền sân đá, nhịp sống thật bình dị. Trẻ em nô đùa cùng người già, đàn ông lên núi tỉa bắp, phụ nữ thu hoạch đậu... Ngoài sân, bên bờ rào đá, cây đào ra trái lúc lỉu, cánh đồng hoa hồng bắt đầu ra bông... Ngôi nhà như trở lại khung cảnh quen thuộc bình yên của hàng chục năm trước...
{keywords}

Đây là nhà một gia đình "tứ đại đồng đường" cùng sinh sống, chủ nhân là ông Mua Súa Páo. Toàn bộ ngôi nhà gồm ba dãy hình chữ U, tất cả đều là kiến trúc trình tường bằng đất. Dãy chính nằm trong cùng gồm hai tầng với một gian chính, chia làm nhiều phòng: phòng khách, phòng ở, bếp, nhà kho, chuồng gia súc... Khoảng sân chính cũng là giếng trời, sàn lát đá.

{keywords}

Năm 2006, trong quá trình chuẩn bị cho bộ phim điện ảnh "Chuyện của Pao", đạo diễn Đỗ Thanh Hải đã dừng chân tại thôn Lũng Cẩm. Quá ấn tượng trước một ngôi nhà người Mông còn nguyên vẹn, kiến trúc trình tường gần trăm tuổi, ông đã chọn ngôi nhà này làm bối cảnh chính cho bộ phim của mình. Bộ phim sau đó đạt giải Cánh diều vàng, không chỉ bởi nội dung xuất sắc mà khung cảnh tái hiện cuộc sống vùng cao quá chân thực với ngôi nhà làm điểm nhấn.

{keywords}

Sau thành công của phim "Chuyện nhà Pao", rất đông du khách đã tìm đến ngôi nhà này để tham quan, năm này qua năm khác tiếng tăm ngôi nhà nhỏ trong thôn Lũng Cẩm càng vang xa, báo đài, truyền hình đều quan tâm đến... dần dà ngôi nhà đã được gọi tên không chính thức là "Nhà của Pao", là một trong những điểm du lịch thu hút du khách nhất khi đến với cao nguyên đá Đồng Văn.

{keywords}

Vốn thuộc hàng "danh gia vọng tộc" nên nguyên vật liệu dựng nhà đã được lựa chọn rất kỹ càng, toàn bộ khung nhà hoàn toàn bằng gỗ tốt, có thể chịu đựng mưa nắng hàng chục năm.

{keywords}

Cánh cổng gỗ dẫn vào nhà Pao, hai bên là tường rào đá đặc trưng của đồng bào Mông nơi đây, hoàn toàn dựng từ đá tảng xếp chồng lên nhau mà không cần xi măng, vôi vữa. Và giống như muôn vạn ngôi nhà ở cao nguyên đá Đồng Văn, bên hông bờ rào đá được trồng đào, trồng mận. Mùa xuân ra hoa kín cổng, còn mùa hè là mùa ra trái.

{keywords}

Toàn bộ ngôi nhà được lợp mái ngói âm dương in hằn dấu vết thời gian, từ mái gian chính, bếp, đến cổng gỗ đầu hồi...

{keywords}

“Nhà của Pao” ngày nay thuộc thôn Lũng Cẩm, xã Sủng Là (Đồng Văn, Hà Giang), cách trung tâm thị trấn Đồng Văn chỉ 25km. Đây là nơi sinh sống đồng thời của ba dân tộc: Mông, Hán, Lô Lô. Lối chính vào thôn Lũng Cẩm giờ đã được lát bê-tông sạch đẹp, xuyên qua những cánh đồng, ở đó mùa xuân là những cánh đồng hoa cải, mùa thu là cánh đồng tam giác mạch, còn mùa hè là mùa của ngô bắp.

{keywords}

Mùa hè cũng là mùa hoa hồng bắt đầu nở rộ ra bông, bên cạnh những thửa ruộng ngô là những cánh đồng hoa hồng bắt đầu vào vụ rực rỡ nhất. Ở cao nguyên đá Đồng Văn hiện nay, Phó Bảng và Sủng Là chính là hai địa danh trồng nhiều hoa hồng nhất, với những cánh đồng rộng lớn nằm trong những thung lũng đá.

{keywords}

Là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất của Hà Giang, "nhà của Pao" quanh năm đón một lượng du khách rất đông. Đặc biệt vào mùa lễ hội hoa tam giác mạch, hay mùa xuân là mùa mận, đào ra hoa... ngôi nhà luôn nườm nượp khách ghé đến. Khắp nơi trong nhà, khoảng sân, cổng gỗ là hàng chục thậm chí hàng trăm người. Mùa hè là mùa duy nhất nơi đây không có cảnh tượng chen nhau check-in, có những ngày hoàn toàn vắng bóng du khách.

{keywords}

Quanh năm "căng mình" phục vụ du khách, đây là dịp ngôi nhà được "nghỉ", cuộc sống của ba thế hệ sinh sống nơi đây được trở lại yên bình, giản dị... như hàng chục năm trước.

{keywords}

Thời gian như ngưng đọng nơi bậc thềm của hai bà cháu, như là lịch sử ngôi nhà hiển hiện trở lại ngay trước mắt.

{keywords}

Trẻ em không phải gùi hoa, đội vòng kết hoa, mặc quần áo đẹp... để chụp hình cùng du khách. Sau giờ học là phụ mẹ cắt cỏ, lao động,...

{keywords}

Những người phụ nữ sau một ngày lên nương rẫy, cuối giờ chiều lại ngồi bên bậc thềm cùng nhau tuốt đậu tương, sau đó buộc thành từng chùm phơi kín trên giàn, lan can, ban công gỗ...

{keywords}

Những vị khách hiếm hoi của mùa hạ, bên tường rào đá, dưới tán đào của ngôi nhà "điện ảnh". Họ thật may mắn vì có thể đến đây vào mùa không có tác động của du lịch, có thể ngắm nhìn và cảm nhận chân thực nhất về cuộc sống trăm năm vẫn hiện hữu nơi đây, về cái hồn và con người thân thiện của cao nguyên đá.

10 bãi biển phong cảnh hữu tình ở dải đất miền Trung
Nhu cầu đi "giải nhiệt" mùa hè ở các bãi biển của người dân đã tăng trở lại sau khi dịch Covid-19 được khống chế. Dưới đây là 10 bãi biển tại miền Trung- nơi được thiên nhiên ưu ái ban tặng rất nhiều bãi biển đẹp mê hồn với cát trắng mịn, nước trong xanh và phong cảnh vô cùng hữu tình bạn có thể lựa chọn cho kỳ nghỉ của gia đình mình. 
Vẻ đẹp nơi cuối trời Tây Bắc
Không nổi tiếng như Sapa, Mộc Châu hay Hà Giang đón hàng ngàn khách du lịch mỗi năm, Lai Châu mang trong mình vẻ đẹp tiềm ẩn của miền sơn cước cuối trời, nơi những dãy núi cao chót vót với điệu múa của đồng bào người Hmong, người Mảng, người Si La…Dưới đây là những điểm đến bạn nên ghé thăm khi đến Lai Châu.
Những bức họa tuyệt đẹp lưng chừng trời
Ruộng bậc thang ở Y Tý (Lào Cai) nếu vào tháng 9-10 vàng ruộm thì tháng 5-6 mùa nước đổ lại đẹp như tranh vẽ với đủ các mảng màu bao phủ lưng chừng trời. Thiên nhiên Y Tý kỳ vỹ và đẹp đến ngỡ ngàng.
Theo báo Nhân Dân
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...