Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Du lịch >> Tư liệu Bắc Giang
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Ông Nghè Hoàng Mai

Cập nhật: 14:39 ngày 19/05/2017
(BGĐT) - Ông Nghè Hoàng Mai là tên gọi thân mật của Tiến sĩ Nguyễn Danh Vọng,  danh nhân khoa bảng của tỉnh Bắc Giang đăng đệ dưới triều Nguyễn. Quê ông ở xã Hoàng Mai, tổng Hoàng Mai, huyện Yên  Dũng; nay là thôn Hoàng Mai, xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên. Sinh năm Giáp Dần (1794) và cũng mất năm Giáp Dần sau một vòng Hoa giáp (1854), ông đã đem tài năng, trí tuệ tận tâm phụng sự đất nước và trở thành niềm tự hào cho truyền thống hiếu học của quê hương. 
{keywords}
Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội - nơi ông Nghè Hoàng Mai từng đứng đầu trông coi việc học hành. 

Tiến sĩ Nguyễn Danh Vọng sinh ra và trưởng thành trong một dòng họ nổi tiếng hiếu học ở miền quê Kinh Bắc- dòng họ Nguyễn Mậu. Tính từ cụ khởi tổ là Nguyễn Mậu Tài thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Bính Tuất niên hiệu Phúc Thái thứ 4 (1646), đến khoa thi Nhâm Dần niên hiệu Thiệu Trị thứ 2 (1842), trong vòng 196 năm, dòng họ Nguyễn Mậu có 7 vị thi đỗ đại khoa cùng nhiều vị đỗ trung khoa ở hai triều Lê- Nguyễn. Nhà thờ chi họ Nguyễn Mậu ở làng Hoàng Mai hiện còn lưu truyền hai câu đối phản ánh truyền thống hiếu học, khoa giáp của dòng họ:

Tổ quán Kim Sơn xã, lục vị khôi khoa, tam thượng sứ

Phân chi Hoàng Mai thôn, nhất danh cao bảng, thất trung khoa.

Nghĩa là:  Quê gốc đất Kim Sơn, sáu vị đỗ đại khoa, ba vị từng đi sứ

Phân chi làng Hoàng Mai, một vị đỗ đại khoa, bảy vị đỗ trung khoa.

Cửu thế thất đại khoa đức hạnh văn chương minh sử Việt

Ngũ tước tam vương, sứ kinh luân khang tế cảm Thanh triều.

Nghĩa là: Chín đời bảy vị đại đăng khoa, đức hạnh văn chương ngời sử Việt,

 Ba đời được ban ngũ tước, tài thế kinh bang cảm phục triều Thanh.

Trải qua nhiều năm đèn sách, miệt mài kinh sử, đến kỳ thi Hội, khoa thi Nhâm Dần niên hiệu Thiệu Trị thứ 2 (1842), Nguyễn Danh Vọng đậu Tiến sĩ. Khi vào điện thí do vua trực tiếp hỏi để phân hạng Tiến sĩ, ông đã đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Khi ấy ông 49 tuổi.

Sau lễ vinh quy bái tổ, Nguyễn Danh Vọng hồi triều và được sơ bổ chức quan Hàn lâm viện biên tu. Chức quan này có nhiệm vụ khởi thảo các văn bản: Văn thư, chế biểu cho triều đình. Ngoài ra, người giữ chức này còn có nhiệm vụ biên tập, biên soạn sách giáo khoa. Sau đó vài năm, triều đình bổ ông làm quan Tri phủ Trùng Khánh (Cao Bằng), sau đổi về làm quan Đốc học tỉnh Hải Dương (tương đương Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo ngày nay). 

Triều vua Tự Đức thứ nhất (1848), ông được về Kinh đô giữ chức Quyền Quốc Tử giám tư nghiệp (tương đương Phó hiệu trưởng Trường Đại học Quốc gia ngày nay). Sau ông được thăng chức Quốc tử giám Tế tửu (tức Hiệu trưởng), phong Viện Ngoại lang (chuyên gia đầu ngành giáo dục lúc bấy giờ). Ông làm chức quan này đến khi cáo quan về quê mở trường dạy học tại nhà. Năm Giáp Dần 1854, ông mất, hưởng thọ 61 tuổi.

Cuộc đời làm quan của ông Nghè Hoàng Mai cũng như  những năm tháng sống ẩn dật tại quê nhà đều gắn liền với sự nghiệp giáo dục, đào tạo nhân tài cho đất nước. Ở mỗi chức vị mà triều đình giao phó, ông đều đem tài đức tận tâm phụng sự. Đặc biệt, triều đình đã tin tưởng giao cho ông trọng trách trông coi việc học hành ở trung tâm đào tạo nhân tài cao cấp duy nhất cho quốc gia (Quốc tử giám). Chức quan này chỉ dành cho những người có tài, có đức, giỏi văn chương. Ông còn được triều đình phong cho chức Viên Ngoại lang mà thời đại ngày nay đánh giá như chuyên gia đầu ngành của ngành giáo dục - đào tạo.

Nguyễn Văn Phong
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...