Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 31 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

TP Bắc Giang
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

"Mùa làm ăn" ở làng mộc Bãi Ổi

Cập nhật: 11:09 ngày 01/12/2016
(BGĐT) - Những tháng cuối năm là "mùa làm ăn" quan trọng nhất của các hộ làm nghề mộc ở thôn Bãi Ổi, xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang). Khắp thôn, người dân đang tích cực hoàn tất các đơn hàng để kịp trả cho khách vào dịp Tết nguyên đán sắp tới.
{keywords}

Gia đình anh Lương Xuân Thuận vừa đầu tư máy tiện vi tính trị giá gần 200 triệu đồng phục vụ sản xuất.

Có mặt tại thôn Bãi Ổi từ sáng sớm, trong làng ngoài ngõ đã rộn tiếng cưa, xẻ, đục, đẽo. Những chiếc xe tải lớn, nhỏ đến giao, nhận hàng tỏa đi khắp các địa phương trong và ngoài tỉnh. Dịp này, cơ sở sản xuất của anh Lương Xuân Thuận chạy hết công suất. Từ tháng 10, anh thuê thêm 5 lao động thời vụ mới bảo đảm tiến độ giao hàng. Anh cho biết: “Nhu cầu của khách tăng gấp đôi so với mấy tháng trước, yêu cầu cao hơn về mỹ thuật nên tôi vừa đầu tư máy tiện vi tính, trị giá gần 200 triệu đồng”. Với quy mô sản xuất lớn, ước tính mỗi tháng, gia đình anh Thuận tiêu thụ khoảng 30 bộ sản phẩm như: Bàn ghế, cánh cửa, đồ thờ, trang trí, sập, tủ kệ làm từ gỗ mít, keo, lim… Mỗi bộ có giá từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng tùy thuộc vào chất liệu gỗ, độ tinh xảo.

Nghề mộc mang lại thu nhập cao đồng thời đòi hỏi người lao động phải chịu khó, kiên nhẫn, sáng tạo, thường xuyên đổi mới mẫu mã đáp ứng thị hiếu của khách hàng. Hiện cả thôn có 7 máy tiện và máy đục vi tính, trong đó có 2 máy tiện được UBND TP Bắc Giang hỗ trợ kinh phí mua sắm. Bên cạnh việc sản xuất các mặt hàng truyền thống, các hộ có nhiều đơn hàng được đặt riêng dịp Tết như: Sập, lục bình, đồ thờ cúng, câu đối. Mặc dù thời gian gấp, đông khách hàng, phải tăng ca liên tục nhưng chất lượng sản phẩm luôn được các cơ sở ở Bãi Ổi đặt lên hàng đầu. Cùng với sự hỗ trợ của máy móc, nhiều chi tiết chạm khắc cầu kỳ vẫn được bàn tay tài hoa của người thợ hoàn thiện tỉ mỉ. Để đáp ứng đủ nhu cầu và kịp thời gian, các chủ cơ sở nhận đơn đặt hàng từ nhiều tháng trước. Nguồn gỗ nguyên liệu mua ở huyện Lục Ngạn, Sơn Động hoặc một số tỉnh như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Bình, Hà Tĩnh. 

{keywords}

Làng nghề mộc Bãi Ổi tạo việc làm cho hơn 200 người, trong đó có gần 80 lao động nữ, mức lương 5 - 8 triệu đồng/tháng.

Được biết, nghề mộc ở Bãi Ổi có từ năm 1950 khi ông Lương Xuân Thù (SN 1928), quê ở huyện Thường Tín (Hà Nội) đến lập nghiệp và truyền dạy cho người dân trong thôn. Hơn nửa thế kỷ qua, lớp người sau học lớp đi trước, cùng duy trì, phát triển làng nghề. Thôn Bãi Ổi hiện có 160 hộ thì 48 gia đình làm nghề mộc, thu hút hơn 260 lao động địa phương và vùng lân cận.  Nơi đây chỉ còn 3 hộ nghèo. Anh Nguyễn Đình Chữ cho hay: “Tôi thạo việc từ năm 16 tuổi. Hiện cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ của tôi mỗi năm lãi khoảng 300 triệu đồng, tạo việc làm cho 7 người”.

Đi thăm các cơ sở sản xuất những ngày này thấy không khí làm việc hối hả, nhộn nhịp. Một số hộ như gia đình anh Hà Văn Hiến, Hà Đình Hòa, Lương Văn Hưng, Hà Văn Quyền, Hà Quang Hiếu, Lương Văn Ba… bố trí sản xuất nhiều ca trong ngày. Ai cũng mong muốn có một "mùa làm ăn" xuôi chèo, mát mái.

Tuyết Mai

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...