Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 30 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

TP Bắc Giang >> Dịch vụ - Thị trường
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nguy cơ mất an toàn thực phẩm mỳ Kế

Cập nhật: 14:00 ngày 24/05/2018
(BGĐT) - Trước thông tin bạn đọc phản ánh một số người dân làm mỳ ở phường Dĩnh Kế (TP Bắc Giang) dùng thuốc phun lên các bãi đất trống diệt cỏ sau đó phơi mỳ lên trên, phóng viên Báo Bắc Giang đã tìm hiểu thực tế tại đây.
{keywords}

Người dân Tổ dân phố Phú Mỹ 2 phơi mỳ ở bãi đất trống và đoạn đường vắng.

Khoảng 10 giờ ngày 22-5, đúng vào lúc nắng gay gắt, chúng tôi chạy xe máy qua các con phố như Anh Thơ, Anh Thơ 2, Anh Thơ 4, Thanh Niên và các đường nhánh thuộc tổ dân phố Phú Mỹ, Phú Mỹ 2 (phường Dĩnh Kế). Tại những nơi đi qua, nhiều người dân đang hối hả thu các giàn mỳ đã phơi từ đầu giờ sáng để tránh nắng gắt, bảo đảm bánh tráng khô vừa đủ độ. Hầu hết các khoảng trống như mặt đất đã được san nền phân lô làm khu dân cư chưa xây dựng công trình, ven đường thậm chí cả mặt đường đi, hè đường quanh tường bao công viên Hoàng Hoa Thám, bờ cỏ… được người dân tận dụng để phơi bánh hoặc mỳ đã thái sợi. Các bãi đất trống diện tích từ hàng trăm đến hàng nghìn mét vuông đều có cắm cọc, buộc néo thanh tre, gỗ thô sơ nối dài làm giá đỡ để gác các giàn mỳ. Ở đôi chỗ, người làm mỳ chỉ cần gác các giàn bánh lên bó vỉa hoặc tường rào công viên. Một số hộ dân đóng các giá gỗ đặt trên mặt đường để có thể phơi bánh và di chuyển dễ dàng.

Không trực tiếp chứng kiến người dân phun thuốc song theo quan sát của phóng viên, nhiều khu đất trống, nhất là khoảng trống đã san nền cỏ mọc nhiều (ở cả tổ dân phố Phú Mỹ và Phú Mỹ 2) đều có hiện tượng cỏ bị chết cháy vàng hoặc khô trắng, có chỗ thâm đen (tùy loại cỏ). Đặc biệt, cỏ chết cháy vàng cả loạt tại khu vực đất trống rộng hàng nghìn mét vuông thuộc tổ dân phố Phú Mỹ. Gần như trên toàn bộ diện tích này đều cắm cọc, bắc giá dùng để gác giàn phơi mỳ. 

Ven tường bao công viên Hoàng Hoa Thám phía giáp đường Thanh Niên và một đoạn bờ dọc con đường này cỏ cũng chết trắng một cách bất thường. Khi được hỏi về hiện tượng cỏ chết khô hàng loạt, những người dân đi thu mỳ đều trả lời qua quýt rằng đấy là do người ta “trị cỏ”, cỏ bị cắt, phát dọn, gặp nắng nên khô lại hoặc do bị chân người giẫm lên hằng ngày. Nhưng quan sát thực tế hoàn toàn không có dấu hiệu cỏ bị phát hoặc cắt như lời một số người dân nói.

{keywords}

Bãi đất trống cỏ bị khô cháy có các giàn để gác mỳ.

Tìm gặp bà Nguyễn Thị Dung, Tổ trưởng tổ dân phố Phú Mỹ 2, bà cho biết cả tổ có 180 hộ thì hiện có hơn 40 hộ làm mỳ. Bà Dung cũng khẳng định các hộ sản xuất mỳ tại đây đã chú ý hơn đến khâu bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; không sử dụng hàn the và chất tẩy trắng. Người dân cũng chọn nơi khô ráo, sạch sẽ để phơi bánh. Việc tiêu thụ sản phẩm khá thuận lợi, lãi khoảng 500 đến 700 nghìn/tạ gạo, không cao như trước kia song công việc và thu nhập của người làm nghề tương đối ổn định. Mấy năm trước đây, khi còn đất canh tác, người dân có dùng thuốc trừ cỏ để dọn ruộng trồng đào và một số cây trồng khác chứ không khi nào dùng thuốc trừ cỏ để dọn bãi phơi mỳ.

Khi làm việc với ông Nguyễn Văn Chúc, Tổ trưởng tổ dân phố Phú Mỹ, ông cho biết gia đình cũng làm mỳ và là thành viên HTX Mỳ Kế. Với vai trò tổ trưởng tổ dân phố và thành viên HTX, ông thường xuyên nhắc nhở, khuyến cáo người dân tuân thủ các yêu cầu về an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất. Vừa rồi có thấy một vài hộ dân phun thuốc, ông đã nhắc nhở, yêu cầu họ không được phơi mỳ lên trên diện tích mới phun đồng thời cảnh báo nếu vi phạm sẽ lập biên bản. Họ nói phun xong để đấy, sau này dọn sạch mới sử dụng tiếp diện tích đất đó.

{keywords}

Thuốc trừ cỏ là hóa chất độc hại, khi ngấm xuống sẽ gây ô nhiễm đất và nguồn nước kể cả nước ngầm; nếu phát tán trong không khí người hít phải có thể bị bủn rủn chân tay, hoa mắt, chóng mặt. Người tiếp xúc thường xuyên hoặc ăn phải thực phẩm bị bám dính hóa chất này về lâu dài dễ bị mắc các bệnh mạn tính, bệnh nguy hiểm".


Bà Đỗ Thị Luyến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT)

Dẫn phóng viên đi quanh khu đất rộng phủ lớp cỏ khô vàng ước hàng nghìn mét vuông nói trên, ông Chúc nói trước đây hộ ông Giáp Văn P có phơi mỳ nhưng nay đã nghỉ làm mỳ chuyển sang bán hàng ăn, không phơi nữa. Khu đất này ông P phun thuốc diệt cỏ để nay mai trồng cây. Đó là vào buổi trưa 22-5. Còn vào khoảng 7 giờ 30 phút sáng 23-5, khi phóng viên đến đây, nhiều chỗ trên khu đất này đã được người dân phơi mỳ kín bên trên.

Trao đổi về vấn đề này chiều ngày 22-5, bà Nguyễn Thị Hồng Vinh, Chủ tịch UBND phường Dĩnh Kế cho biết hiện chưa nắm được thông tin về việc người dân phun thuốc diệt cỏ gần nơi phơi mỳ. Nghề sản xuất mỳ của phường tương đối ổn định với khoảng 250 hộ làm nghề; chính quyền phường và các cơ quan chức năng của TP rất quan tâm hỗ trợ người dân phát triển sản xuất để tạo lập, giữ vững thương hiệu, nhất là chú trọng an toàn vệ sinh thực phẩm, bao gói, nhãn mác. Lãnh đạo phường sẽ làm việc với tổ trưởng tổ dân phố Phú Mỹ, Phú Mỹ 2, một số tổ có hộ dân làm mỳ và HTX Mỳ Kế để kiểm tra, cảnh báo.

Mỳ gạo Dĩnh Kế vốn là sản phẩm được ưa chuộng, nổi tiếng đã lâu, đem lại việc làm và thu nhập cho nhiều hộ dân. Để giữ vững uy tín đối với người tiêu dùng, trước tiên, người sản xuất cần tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất. Có hay không việc người dân phun thuốc diệt cỏ ở bãi phơi mỳ, việc phun thuốc đã đủ thời gian cách ly để bảo đảm an toàn hay chưa? Chính quyền phường Dĩnh Kế và cơ quan chức năng của TP cần sớm kiểm tra, đánh giá mức độ ảnh hưởng (nếu có) để khuyến cáo, ngăn chặn sản phẩm thiếu an toàn đưa ra tiêu thụ ngoài thị trường.

Nhóm PV

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...