Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

TP Bắc Giang >> Lịch sử - Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Văn chỉ Dĩnh Uyên - Biểu trưng cho tinh thần hiếu học

Cập nhật: 09:00 ngày 27/10/2018
(BGĐT)-Cách trung tâm TP Bắc Giang khoảng 2 km về phía Nam, ngôi làng mang tên An Bình ẩn tàng nhiều giá trị văn hóa mà trải qua thời gian vẫn bảo tồn được những nét đặc thù. Trong đó, nổi bật là khu văn chỉ Dĩnh Uyên - nơi diễn ra những sự kiện lớn của làng như dịp đưa sĩ tử lên kinh dự thi và nghênh đón các vị quan tân khoa về làng vinh quy bái tổ. Vì thế, khu văn chỉ là nơi hội tụ và tỏa sáng cho tinh thần hiếu học nơi đây.

Văn chỉ Dĩnh Uyên còn được gọi là đền Thánh hiền, tên chữ là “Dĩnh ấp văn từ”, vốn là văn chỉ của huyện Phượng Nhỡn xưa (nay thuộc thôn An Bình, xã Tân Tiến, TP Bắc Giang).

{keywords}

Ban thờ Khổng Tử và Tứ phối tại văn chỉ Dĩnh Uyên.

Tương truyền, văn chỉ Dĩnh Uyên được khởi dựng từ lâu đời. Khi cả vùng An Bình ngày nay chỉ là bãi hoang um tùm lau sậy. Một hôm, có bà lão từ bên kia sông Thương đi chợ Kế sớm, vừa lên khỏi đò vẳng nghe có tiếng đọc sách trong bãi lau sậy liền rẽ lau bước vào nhưng không thấy bóng người, chỉ thấy năm hòn đá, bà liền ngồi nép vào một khóm lau nghe, lúc sau lại thấy tiếng đọc sách nho nhỏ nên lấy làm lạ lắm. Phiên chợ đó, bà mua về 5 chiếc nón đội cho 5 hòn đá này, về sau bà sinh hạ 5 con trai đều thi đỗ ra làm quan. 5 vị này theo truyền thuyết chính là 5 ông nghè được thờ ở 5 thôn của xã Dĩnh Uyên xưa, nay vẫn còn bài vị: Nghè thôn Trước thờ ông nghè Mộc Hoàn, nghè thôn Ngò thờ ông nghè Hoàng Lựu, nghè thôn Lường thờ ông nghè Lương Thành, nghè thôn Xuân thờ ông nghè Thái Giám, nghè thôn Đọ thờ ông nghè Giám Độ.

Về sau, dân làng lập một ngôi đền để thờ gọi là “đền Thánh hiền” trên một dải gò cao, trong lùm cây cổ thụ. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, văn chỉ bị hư hại nhiều, 5 pho tượng đá bị vùi lấp dưới ao. Năm 1991-1992, tại đây, nhân dân phát hiện ba pho tượng và tạc thêm hai pho, đồng thời trùng tu, tôn tạo lại văn chỉ trên nền đất cũ. Bên trong có ban thờ đặt tượng các vị thánh sư. Chính giữa là tượng đức Khổng Tử, hai bên là tượng Tứ phối gồm: Nhan Tử, Tăng Tử, Mạnh Tử và Tử Tư. Phía bên trên gian chính giữa treo bức hoành phi đề bốn chữ Hán “Dĩnh ấp văn từ”, cùng hai đôi câu đối cổ thể hiện tư tưởng của đạo Nho.

Truyền thống hiếu học đã tạo nên sự vẻ vang cho đất và người Dĩnh Uyên. Thông qua con đường thi cử, địa phương đã cung cấp cho đất nước những nhà ngoại giao, kinh tế, chính trị, quân sự và văn học khá nổi tiếng.

Thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, hương lão Dĩnh Uyên vẫn tế tự ở đây, sau đó việc tế tự bị đình đốn. Hòa bình lập lại, cùng với sự ra đời của thôn An Bình, nhân dân địa phương đã phục dựng lại nghi lễ tế truyền thống và mở hội vào ngày mồng 2 tháng Ba (âm lịch) hằng năm. Vào các tiết lệ trong năm, nhân dân trong vùng cùng du khách thập phương đến làm lễ cầu mong cho con cái học hành chăm ngoan, thi cử đỗ đạt rất đông. Riêng văn bia của văn chỉ đã được chuyển lên đặt tại nghè Kế (nay thuộc phường Dĩnh Kế) bởi xưa kia Dĩnh Kế là xã đầu tổng nên đã lập văn chỉ thờ vọng tại Dĩnh Kế và chuyển văn bia của Dĩnh Uyên lên đó để thờ.

Chính truyền thống hiếu học đã tạo nên sự vẻ vang cho đất và người Dĩnh Uyên. Thông qua con đường thi cử, địa phương đã cung cấp cho đất nước những nhà ngoại giao, kinh tế, chính trị, quân sự và văn học khá nổi tiếng mà tiêu biểu là Tiến sĩ Nguyễn Duy Năng (người thôn Xuân). Ông đỗ tiến sĩ khoa Giáp Tuất, năm Sùng Khang thứ 9 (1574) đời Mạc Mậu Hợp, làm quan đến chức Thừa chánh sứ rồi Đại tướng quân của triều Lê.

Các vị hiền triết được thờ tại văn chỉ là niềm tự hào của người dân địa phương qua mọi thời kỳ. Từ đó hun đúc, tạo nên giá trị cốt cách của người Dĩnh Uyên xưa, Tân Tiến nay. Trong thời buổi đô thị hóa, những giá trị về văn hóa làng quê nếu không được bảo vệ rất dễ bị mai một. Ý thức được điều đó, người dân Tân Tiến hôm nay luôn đoàn kết xây dựng quê hương song vẫn giữ được những nét riêng của một làng khoa bảng giàu truyền thống hiếu học.

Thu Hương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...