Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 29 °C / 25 - 28 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

TP Bắc Giang >> Mở rộng địa giới hành chính
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Mở rộng địa giới hành chính TP Bắc Giang: Đáp ứng tiêu chí đô thị loại I vào năm 2020

(BGĐT) - Việc đẩy mạnh phát triển đô thị của tỉnh, trong đó mở rộng địa giới hành chính TP Bắc Giang được Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm và là chủ trương lớn của tỉnh nhằm thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Nghị quyết số 138 NQ/BTV ngày 1-9-2016 của BTV Tỉnh ủy “Về đẩy mạnh phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XXI.

{keywords}

Bản đồ mở rộng địa giới hành chính TP Bắc Giang.

Thúc đẩy phát triển KT-XH 

Ngày 28-7-2017, BTV Tỉnh ủy ban hành Thông báo Kết luận số 228 nhất trí chủ trương mở rộng địa giới hành chính TP Bắc Giang gồm 5 xã, thị trấn của huyện Yên Dũng (Nội Hoàng, Tiền Phong, Tân Dân, Hương Gián, Tân Liễu); ba xã của huyện Lạng Giang (Thái Đào, Tân Dĩnh, Xuân Hương) và xã Tăng Tiến của huyện Việt Yên; đồng thời chuyển 4 xã, một thị trấn thành phường bao gồm: Tân Mỹ, Tân Tiến, Dĩnh Trì, Song Khê và Tân Dân.

Để thực hiện nhiệm vụ chính trị này, ngày 8-8-2017, Chủ tịch UBND tỉnh có quyết định thành lập Ban chỉ đạo mở rộng địa giới hành chính TP Bắc Giang do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lại Thanh Sơn làm Trưởng ban cùng nhiều lãnh đạo sở, ngành, UBND TP và các huyện liên quan làm thành viên. Ngày 14-8-2017, UBND tỉnh quyết định phê duyệt Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh Bắc Giang đến năm 2030. 

Sau khi sáp nhập 9 xã, diện tích tự nhiên của TP tăng từ 66,64 km2 lên khoảng 143,33 km2; dân số từ 180 nghìn người lên khoảng 231,52 nghìn người; từ 16 phường, xã lên 25 phường, xã (15 phường, 10 xã). Việc mở rộng địa giới hành chính TP có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển KT - XH của tỉnh, TP và khu vực, từng bước đáp ứng tiêu chí đô thị loại I vào năm 2020.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh là 14,47%, thấp nhất so với các tỉnh trong vùng Thủ đô Hà Nội. Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh Bắc Giang đến năm 2030 phấn đấu đạt mục tiêu giai đoạn 2017-2020 nâng cấp một số đô thị và thành lập mới thị trấn, mở rộng ranh giới hành chính đô thị; nâng tỷ lệ dân số đô thị toàn tỉnh đạt khoảng 22-23%; giai đoạn 2021-2025 đạt 35-38%. Giai đoạn 2026-2030, hoàn chỉnh hệ thống đô thị phù hợp với nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh, nâng tỷ lệ dân số đô thị toàn tỉnh đạt 40-45%. Việc mở rộng địa giới hành chính TP Bắc Giang, phát triển các đô thị của tỉnh nhằm từng bước hiện thực hóa các mục tiêu này.

Được biết, trước đây, TP Bắc Giang đã có ba lần mở rộng địa giới hành chính. Nhìn nhận khi các xã sáp nhập về TP có thể thấy, bên cạnh khó khăn như các khu vực sáp nhập đa số là vùng nông nghiệp nên bước đầu khả năng hòa nhập phát triển kinh tế sẽ có những hạn chế nhất định; dân cư hưởng lợi ít hơn trong các chính sách ưu tiên của Nhà nước (điểm vào đại học, các loại thuế, phí) thì thuận lợi là chủ yếu. Đó là công tác quy hoạch được quan tâm, mở rộng không gian đô thị hình thành các khu dân cư. Hệ thống hạ tầng cơ sở của các xã về TP quy hoạch đồng bộ; tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp công trình phục vụ dân sinh (điện, đường, trường, trạm). Người dân được thụ hưởng các dịch vụ công ích tốt như nước sạch, điện, thông tin liên lạc. Giá trị đất ở và đất nông nghiệp tăng lên mang lại lợi ích lớn hơn trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi nhà nước quy hoạch để thực hiện các dự án. Chính sách hỗ trợ bồi thường cao, hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm giúp người dân ổn định cuộc sống. Công tác vệ sinh môi trường, thoát thải trong khu dân cư hiệu quả hơn. TP đầu tư các nguồn lực để phát triển hạ tầng nông thôn, hạ tầng kinh tế. Trên cơ sở quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh, nông dân sẽ được quan tâm hỗ trợ tiếp cận kỹ thuật cao trong sản xuất nông nghiệp. 

Bên cạnh đó, TP còn là nơi tập trung nhiều công trình phúc lợi, xã hội, vui chơi giải trí, hệ thống y tế, trường học khang trang, hiện đại giúp người dân có điều kiện thụ hưởng những thành tựu khoa học kỹ thuật, KT-XH của tỉnh; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, sức khỏe, tuổi thọ nhân dân. Công tác an sinh xã hội, hoạt động đền ơn đáp nghĩa, thăm hỏi, ủng hộ các đối tượng chính sách, người có công, người nghèo được quan tâm đẩy mạnh.

{keywords}

Những năm qua, hạ tầng 5 xã sáp nhập về TP Bắc Giang được quan tâm đầu tư. 

Ảnh: Đường Võ Nguyên Giáp, đoạn qua xã Tân Mỹ. 

Làm tốt trách nhiệm quản lý, khẩn trương hoàn thiện thủ tục

Thực hiện kết luận của BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có công văn giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với UBND TP Bắc Giang, các huyện liên quan xây dựng Đề án mở rộng địa giới hành chính TP Bắc Giang và một số thị trấn của các huyện trình phiên họp UBND tỉnh tháng 9-2017; bảo đảm kịp tiến độ đến cuối năm 2017 hoàn thành các hồ sơ, thủ tục để UBND tỉnh trình Chính phủ. Liên quan đến việc mở rộng địa giới hành chính TP, UBND các huyện: Yên Dũng, Việt Yên, Lạng Giang và TP Bắc Giang khẩn trương tiến hành quy trình điều chỉnh, sáp nhập địa giới hành chính theo hướng dẫn của Sở Nội vụ và các cơ quan liên quan; chỉ đạo bảo đảm duy trì hoạt động bình thường và quản lý chặt chẽ đất đai, tài chính, đầu tư xây dựng ở các xã, thị trấn có liên quan đến sáp nhập, điều chỉnh địa giới hành chính. 

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện Yên Dũng, Việt Yên, Lạng Giang giữ nguyên hiện trạng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (kể cả cán bộ, công chức cấp xã) ở các xã, thị trấn thuộc phạm vi điều chỉnh địa giới hành chính của TP Bắc Giang; không thực hiện việc tuyển dụng, tiếp nhận, điều động luân chuyển và bổ nhiệm mới các chức danh cán bộ, công chức, viên chức. Chủ tịch UBND các huyện tổng hợp, báo cáo danh sách cán bộ, công chức, viên chức hiện có tại thời điểm ngày 31-7-2017 với Chủ tịch UBND tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, vận động về chủ trương mở rộng địa giới hành chính để phát triển đô thị theo Nghị quyết 138 ngày 1-9-2016 của BTV Tỉnh ủy nhằm tạo sự đồng thuận trong cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân. 

Đồng chí Mai Sơn, Chủ tịch UBND TP cho biết: UBND TP đã thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ công tác giúp việc; xây dựng kế hoạch triển khai nhiệm vụ; lựa chọn đơn vị tư vấn, xây dựng Đề án mở rộng địa giới hành chính và thực hiện các bước theo quy trình bảo đảm tiến độ thời gian, chất lượng. Phối hợp với các cơ quan báo chí và chỉ đạo hệ thống thông tin của TP đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn; phối hợp với các huyện tuyên truyền đến nhân dân các xã sáp nhập về TP, tạo sự đồng thuận cao trong nhận thức và tổ chức thực hiện. 

              Kim Hiếu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...