Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 27 °C / 27 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

TP Bắc Giang >> Nghị quyết và cuộc sống
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Sức sống các làng nghề

Cập nhật: 08:59 ngày 01/03/2018
(BGĐT) - Trải qua thăng trầm, những năm gần đây 4 làng nghề và làng nghề truyền thống của TP Bắc Giang luôn ổn định sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, thu nhập cho hàng nghìn người dân và có bước phát triển theo hướng bền vững, hiệu quả hơn.
{keywords}

Sản xuất bún tại cơ sở Thắng Thủy, tổ dân phố Hòa Sơn, phường Đa Mai (TP Bắc Giang).

Mở rộng thị trường

Thăm làng nghề mộc Bãi Ổi (xã Dĩnh Trì) trong một ngày đầu xuân, ông Nguyễn Đình Thinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Mộc Bãi Ổi cho biết giữa năm nay Cụm công nghiệp Bãi Ổi xong hạ tầng và đi vào hoạt động. HTX sẽ xây dựng trụ sở, ban hành quy chế để ràng buộc trách nhiệm của thành viên, bảo đảm chất lượng sản phẩm và uy tín của HTX.

Từ vài chục hộ những năm trước đây, nay thôn có 71 hộ làm nghề, trong đó 59 hộ là thành viên HTX. Nghề mộc tạo việc làm cho 250 lao động (độ tuổi từ 20 đến 55). Thu nhập bình quân khoảng 5 triệu đồng, lao động tay nghề cao đạt 8 triệu đồng/tháng. Mỗi cơ sở lớn như: Nam Sợi, Quang Đạo, Quyền Nguyên, Hưng Thắm, Nguyễn Văn Chữ thu lãi từ 200 đến 400 triệu đồng một năm. Nhờ sự năng động, nhạy bén của người làm nghề, sản phẩm mộc đã có mặt ở các tỉnh, thành như: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Thuận và xuất sang Trung Quốc. Máy móc, thiết bị đã giúp tăng năng suất lao động, đa dạng mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm với những đồ nội thất, đồ mỹ nghệ tinh xảo, được khách hàng ưa chuộng.

Phường Dĩnh Kế hiện có gần 100 hộ sản xuất bánh đa và gần 200 hộ làm mỳ tập trung ở các tổ dân phố Giáp Tiêu, Giáp Sau, Phú Mỹ, Phú Mỹ 1, Phú Mỹ 2... HTX Bánh đa Kế, HTX Sản xuất mỳ gạo Dĩnh Kế được thành lập giúp tăng tính liên kết giữa khâu sản xuất và tiêu thụ; nâng cao nhận thức, trách nhiệm cũng như lợi ích của người sản xuất. Theo ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc HTX Bánh đa Kế, sản phẩm tiêu thụ khá thuận lợi, làm ra đến đâu bán hết đến đó do người dân mua làm quà biếu người thân, bạn bè sau Tết hoặc cung ứng cho những nơi có lễ hội đầu năm. 

Gia đình bà Nguyễn Thị Hoa, tổ dân phố Giáp Tiêu vào HTX đã gần 10 năm nay, hiện mỗi ngày vợ chồng bà làm được khoảng 500 chiếc bánh, tổng doanh thu 4 triệu đồng. Được HTX hỗ trợ, cộng với gia đình bỏ vốn đầu tư hai lò điện để nướng và lắp hệ thống tạo nước nóng từ năng lượng mặt trời nên công đoạn tráng, phơi bánh thuận lợi hơn, lúc thời tiết xấu vẫn bảo đảm lượng hàng giao cho khách. Hơn thế, giúp người làm bảo vệ sức khỏe nhờ tránh được khói bụi từ bếp than.

Được biết thị trường tiêu thụ bánh đa Kế khá rộng, nhất là các tỉnh, thành như: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Nam Định, Ninh Bình, Hưng Yên và khách hàng ở các tỉnh miền Nam. Thời điểm sau Tết, mỗi hộ thu lãi bình quân 500 nghìn đồng/ngày. Tương tự, sản phẩm của HTX mỳ Kế đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước; mỗi ngày HTX có thể sản xuất, đóng gói, đưa ra thị trường gần 6 tấn sản phẩm.

Sản xuất ổn định và có bước phát triển mới là nghề làm bún bánh Đa Mai. Dịp Tết năm nay, ngoài bún, bánh cuốn, phở, bánh tro truyền thống thì chè lam rất đắt hàng. Lượng bún, bánh tiêu thụ khoảng 20 tấn/ngày, cao gần gấp đôi so với ngày thường. Riêng mặt hàng chè lam, con số xuất bán cho khách lên tới gần 100 tấn dịp Tết vừa qua, tăng cao chưa từng có, một số hộ làm hàng chục tấn theo đơn đặt hàng của khách.

{keywords}

Một công đoạn trong quá trình sản xuất bánh đa Kế.

Sớm có hạ tầng cho khu sản xuất tập trung

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các làng nghề được TP quan tâm hỗ trợ, khuyến khích về nhiều mặt để phát triển bền vững. Các làng nghề gồm mộc, mỳ, bánh đa và mới đây nhất (giữa năm 2017), bún bánh Đa Mai đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm. Từ nguồn quỹ khuyến công và ngân sách, TP chỉ đạo xây dựng mô hình điểm, giúp tham gia triển lãm, hội chợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm; quy hoạch cụm công nghiệp, làng nghề tạo điều kiện để các hộ di dời ra khu sản xuất tập trung, kiểm soát ô nhiễm môi trường.

Nhờ giữ bí quyết truyền thống, tuân thủ quy trình sản xuất sạch, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm nên bún bánh Đa Mai luôn được thực khách ưa chuộng, được hợp đồng tiêu thụ tại các trường mầm non, siêu thị, nhà hàng, quán ăn trên địa bàn TP và vào bếp ăn công nghiệp ở KCN Vân Trung (Việt Yên). Ngoài HTX Bún bánh Đa Mai, tới đây có thêm một HTX ra mắt với dây chuyền sản xuất được nâng cấp với công suất lớn hơn, ký hợp đồng giao sản phẩm cho một số bếp ăn ở khu công nghiệp.

Làng nghề chuyên sản xuất mỳ, bánh đa, bún được TP và các phường tăng cường quản lý, hướng dẫn thực hiện các biện pháp đặc biệt là ứng dụng kỹ thuật, lắp đặt dây chuyền sản xuất để bảo đảm an toàn thực phẩm. Không ít hộ đã đầu tư vài trăm triệu đồng cải tạo, nâng cấp nhà xưởng, máy móc thiết bị trong sản xuất bún, bánh; ngầm hóa toàn bộ hệ thống cống rãnh thoát thải để bảo đảm vệ sinh môi trường. Cơ sở và người sản xuất thường xuyên được tập huấn, kiểm tra và cấp chứng chỉ, chứng nhận về an toàn thực phẩm.

Mặc dù có bước phát triển như vậy nhưng các làng nghề đều gặp khó khăn nhất định. Để hỗ trợ bà con, HTX Bánh đa Kế đầu tư 5 lò sấy điện đặt tại các hộ sản xuất quy mô lớn song giá điện cao khiến các hộ làm nghề không dám khai thác hết công suất máy khi thời tiết xấu, ảnh hưởng đến nguồn cung sản phẩm trong những thời điểm nhất định. Mặt bằng sản xuất bị thu hẹp bởi tốc độ đô thị hóa, hầu hết người dân phải tận dụng mọi khoảng đất trống để phơi bánh và mỳ, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhiều hộ ngoài HTX sử dụng nhãn mác mỳ Chũ để bao gói sản phẩm. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu mỳ Kế mà HTX dày công xây dựng.

Với làng nghề bún bánh Đa Mai, lớp người lớn tuổi và lãnh đạo phường bày tỏ lo ngại trước thực trạng người trẻ hầu như không muốn theo nghề truyền thống mặc dù các hộ làm nghề đều ăn nên làm ra. Ngoài hạ tầng Cụm công nghiệp Bãi Ổi (xã Dĩnh Trì) 8,6 ha đã được đầu tư xây dựng với kinh phí 90 tỷ đồng từ ngân sách TP, còn lại các làng nghề khác chưa hoặc đã được quy hoạch nhưng chưa làm hạ tầng. “Địa phương mong muốn tỉnh, TP, các sở chuyên ngành và nhà khoa học tiếp tục hỗ trợ; đẩy nhanh đầu tư xây dựng hạ tầng khu vực sản xuất tập trung đã được quy hoạch bảo đảm tính đồng bộ; hình thành khu sản xuất- thương mại gắn với du lịch trải nghiệm làng nghề. Từ đó, giảm ô nhiễm môi trường và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở phát triển”, ông Nguyễn Mạnh Thái, Chủ tịch UBND phường Đa Mai nói.

Kim Hiếu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...