(BGĐT) - Những năm qua, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động được cấp ủy, chính quyền TP Bắc Giang quan tâm thực hiện hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, bảo đảm an sinh xã hội.
Nâng chất lượng nhân lực
Trên địa bàn TP hiện có 10 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp (GDNN) gồm: 2 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp, Trung tâm GDNN Quốc tế ICO và Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ và Đào tạo Á Đông.
UBND TP tập trung chỉ đạo phát triển, nâng cao chất lượng nguồn lao động đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới. Trong đó xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện hoạt động GDNN tại cơ quan, đơn vị, địa phương quản lý. Tăng cường thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục hướng nghiệp và GDNN nhằm thay đổi nhận thức của xã hội, của người lao động đối với việc học nghề là chuẩn bị hành trang cho mỗi lao động trên con đường lập thân, lập nghiệp.
2 năm trở lại đây, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh và đào tạo 4.855 học sinh, sinh viên, vượt kế hoạch đề ra. Trong đó lao động có trình độ cao đẳng và trung cấp chiếm gần 42%, còn lại là lao động có trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên. Hiện tỷ lệ lao động qua đào tạo của TP là 80%.
![]() |
Giờ thực hành tại Trường Cao đẳng công nghệ Việt-Hàn Bắc Giang. |
Công tác GDNN của TP có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng, hiệu quả nâng lên. Nguồn nhân lực qua đào tạo được công nhận kỹ năng, tay nghề cao và đội ngũ công nhân kỹ thuật dồi dào bảo đảm phục vụ sự phát triển nhanh, bền vững của TP. Các cơ sở GDNN đã phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp (DN) xây dựng kế hoạch đào tạo và lựa chọn ngành nghề phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động, của DN; mời giáo viên, giảng viên có trình độ tay nghề cao giảng dạy cùng các kỹ sư, công nhân lành nghề hướng dẫn người học thực hành. Phối hợp với các DN tiếp nhận học sinh, sinh viên vào thực tập và tuyển dụng sau khi tốt nghiệp ra trường, bảo đảm đầu ra cho các cơ sở GDNN trên địa bàn.
Đơn cử như Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn hiện có hơn 3,5 nghìn sinh viên. Nhà trường đã liên kết với nhiều DN trong và ngoài tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, giải quyết việc làm cho sinh viên. Nhờ vậy, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm thường xuyên đạt hơn 92%. Năm 2022, nhà trường đã ký kết chương trình thỏa thuận hợp tác phát triển giáo dục hội nhập với Trung tâm Khu vực về học tập suốt đời SEAMEO tại Việt Nam (TP Hồ Chí Minh). Trong 5 năm, hai đơn vị hợp tác phát triển giáo dục hội nhập để đào tạo đội ngũ giảng viên, sinh viên đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao ở trong nước và khu vực ASEAN. Liên kết phát triển việc dạy, học, thi và cấp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế theo quy chuẩn; hợp tác thành lập điểm khảo thí tiếng Anh Cambridge đặt tại Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn để triển khai hiệu quả việc thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế; hợp tác tư vấn giáo dục, hướng nghiệp, cung cấp nguồn nhân lực.
Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Bắc Giang hợp tác với hơn 100 DN trong nước và nước ngoài để tạo điều kiện cho sinh viên được tham gia thực tập và làm việc sau khi tốt nghiệp.
Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm
Việc hợp tác, thỏa thuận giữa các cơ sở GDNN với DN trong đào tạo, giới thiệu việc làm cho người học sau tốt nghiệp được chú trọng triển khai. Vì vậy, 90% người học tốt nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp và 80% người học ở trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên có việc làm phù hợp.
Tuy nhiên, đa số cơ sở GDNN tại TP có quy mô nhỏ, phân bổ không đều, chủ yếu tập trung ở khu vực nội thành. Số lượng cơ sở đào tạo nghề trình độ trung cấp trở lên ít, quy mô và số lượng ngành nghề hạn chế; phát triển nghề mới còn chậm. Cơ cấu đào tạo theo ngành nghề chưa hợp lý giữa nhóm nghề công nghiệp - xây dựng và nhóm nghề dịch vụ. Chất lượng, hiệu quả đào tạo của một số cơ sở GDNN chưa cao, chưa đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của DN ở một số vị trí việc làm yêu cầu kỹ thuật cao.
Các cơ sở GDNN trên địa bàn TP đã phối hợp chặt chẽ với các DN xây dựng kế hoạch, nhu cầu, lĩnh vực đào tạo và lựa chọn ngành nghề phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động, của DN. Liên kết với các DN tiếp nhận học sinh, sinh viên vào thực tập và tuyển dụng sau khi tốt nghiệp ra trường, bảo đảm đầu ra cho các cơ sở GDNN trên địa bàn. |
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, các cấp chính quyền, ngành chức năng TP tăng cường thông tin, tuyên truyền ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN đối với phát triển nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phối hợp với đơn vị liên quan quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN và cơ cấu lại cơ sở GDNN đáp ứng tiêu chí, điều kiện thành lập và hoạt động GDNN theo quy định. Đẩy mạnh phân luồng, thu hút học sinh tốt nghiệp THCS học nghề, vừa học vừa làm tại cơ sở GDNN trên địa bàn TP. Nâng cao chất lượng hoạt động dự báo ngắn hạn, trung hạn, dài hạn về nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu việc làm và đào tạo theo lĩnh vực, ngành nghề, cấp trình độ đào tạo; hình thành cơ sở dữ liệu về cung - cầu thị trường lao động. Xây dựng hệ thống dữ liệu về thông tin thị trường lao động, lao động qua đào tạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào quản lý nhà nước trong hoạt động GDNN và giới thiệu việc làm. Bám sát tiêu chuẩn nghề, kỹ năng nghề, đầu ra và điều kiện bảo đảm chất lượng, các định mức kinh tế - kỹ thuật để định hướng đào tạo nghề cho người học.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả thu hút các dự án đầu tư trên địa bàn TP, nhất là các dự án tạo việc làm cho nhiều lao động, lao động trình độ cao để thúc đẩy nhu cầu đào tạo nghề. Thành phố hỗ trợ các DN đầu tư sản xuất tham gia hoạt động GDNN, phát triển nguồn nhân lực. Tiếp tục thu hút, đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước và ngoài nhân sách cho lĩnh vực GDNN; thúc đẩy xã hội hóa GDNN, xây dựng xã hội học tập; đẩy mạnh hình thức vừa làm, vừa học của người lao động trong DN.
Khuyến khích DN đầu tư vốn để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý; thực hiện tốt các cơ chế, chính sách của Nhà nước về khuyến khích xã hội hóa phát triển GDNN. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức của ngành làm công tác quản lý nhà nước về GDNN theo hướng hiện đại; cử cán bộ, công chức tham gia các khóa đào tạo kỹ năng quản lý. Tăng cường kiểm tra, giám sát và đánh giá hoạt động tại các cơ sở GDNN để có giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo, nâng chất lượng nguồn lao động đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.
Nguyễn Đức Lương