Thứ tư, 17/04/2024
Bắc giang 26 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

TP Bắc Giang >> Người tốt - Việc tốt
TP Bắc Giang >> Người tốt - Việc tốt
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Người đưa lan rừng về phố

Cập nhật: 11:25 ngày 01/04/2019
(BGĐT) - Từ lâu, ông Nguyễn Hồng Thiệu (SN 1959) ở tổ dân phố Phú Mỹ 3, phường Dĩnh Kế, TP Bắc Giang (Bắc Giang) được nhiều người biết đến bởi kinh nghiệm 20 năm trồng hoa lan. 
{keywords}

Vườn lan của gia đình ông Thiệu.

Ông Nguyễn Hồng Thiệu trồng hoa từ năm 1985. Lúc đó, ông chỉ trồng những loại hoa bình dân như: Thược dược, vi ô lét, đồng tiền… Năm 1992, ông Thiệu chuyển sang trồng đào tết, gắn bó với nghề trồng đào, có nhiều kinh nghiệm trong trồng, chăm sóc. Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa nhanh khiến phần lớn diện tích đất nông nghiệp của phường Dĩnh Kế bị thu hồi để xây dựng các công trình, dự án, gia đình ông Thiệu cũng chung cảnh ngộ, diện tích đất nông nghiệp không còn nên chuyển sang trồng hoa phong lan. 

Ông đã lặn lội ra Hà Nội rồi vào Lâm Đồng, TP Hồ Chí Minh để đặt mua những giống lan quý và học hỏi cách trồng, chăm sóc hoa lan. Vốn ít nên ông cứ tích lũy đầu tư dần dần, lấy ngắn nuôi dài. Vừa trồng, vừa nhân giống, đến nay vườn lan nhà ông Thiệu đã có hơn 800 giò phong lan, cùng gần trăm chậu địa lan các loại. Ông xây dựng 250 m2 nhà màng trồng hoa lan ngay cạnh nhà ở để tiện chăm sóc. Nhà màng được thiết kế khoa học, với nhiều tầng để treo các giò phong lan, sử dụng hệ thống tưới phun sương tự động và tưới trực tiếp tùy theo thời tiết.

Chủ hộ chia sẻ: “Mỗi loài hoa lan có đặc điểm sinh trưởng riêng nên người trồng phải chịu khó quan sát, tìm hiểu và đúc rút kinh nghiệm để có cách chăm sóc hoa lan cho phù hợp. Để hoa lan phát triển tốt, người trồng phải chọn những giống lan khỏe, chọn mua hoặc sử dụng những giá thể bảo đảm chất lượng để cấy ghép các mắt lan vào trồng. Quá trình trồng thường xuyên quan sát để kịp thời phát hiện xem cây lan có bị bệnh, sâu, nấm không nhằm có cách phòng bệnh kịp thời”. 

Để có được vườn lan đủ loại, xanh tốt như hôm nay, ông Thiệu đã đầu tư bao tiền của, công sức, mồ hôi, nước mắt và cả chấp nhận thất bại mới có được thành công. Khách hàng của ông hầu hết là những người quen từ khắp các huyện trong tỉnh và các tỉnh, thành lân cận như: Bắc Ninh, Lạng Sơn,… đến đặt mua số lượng lớn. Nhiều giò lan, chậu lan đẹp được ông trồng, chăm sóc trên dưới chục năm khi bán đi ông còn tiếc nuối. Khi bán hàng, ông Thiệu thường nhiệt tình hướng dẫn mọi người cách chăm sóc từng loài lan để chơi được lâu.

Từ trồng hoa lan đã đem lại thu nhập khá giả cho gia đình ông Thiệu, mỗi năm thu lãi hàng trăm triệu đồng, xây nhà cửa khang trang, nuôi các con ăn học, trưởng thành. Ông Thiệu còn tham gia Câu lạc bộ hoa phong lan của TP Bắc Giang để người yêu hoa cùng nhau trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc hoa lan, giúp nhau giống, vốn, kỹ thuật,…

Nghề nào cũng vất vả nhưng nghề trồng hoa lan cần sự công phu, tỉ mẩn hơn, bởi loài hoa này thuộc diện khó tính, kén người trồng, người chơi. Phải thật sự yêu hoa, có niềm đam mê, chăm chỉ, cẩn trọng ngày đêm chăm sóc mới có được những chậu lan, giò lan đẹp, nở đúng độ, giữ được sắc và tươi lâu. Đó là những điều được ông Nguyễn Văn Thiệu bộc bạch, đúc rút sau 20 năm gắn bó với nghề trồng hoa lan. Hoa làm đẹp cho đời, cho người và cũng không phụ lòng người trồng hoa, yêu hoa.

Hải Yến

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...