Thứ năm, 18/04/2024
Bắc giang 32 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

TP Bắc Giang >> Nhịp sống đô thị
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Thế nào là hiếu học, hiếu thảo?

Cập nhật: 10:22 ngày 23/03/2017
(BGĐT) - Mới đây, Giáo sư (GS), Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng đã có buổi nói chuyện về chủ đề “Hiếu học, hiếu thảo” với hơn 1 nghìn học sinh của Trường THCS Trần Nguyên Hãn và THPT Chuyên Bắc Giang. 

{keywords}

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng trò chuyện về chủ đề "Hiếu học, hiếu thảo" tại Trường THPT Chuyên Bắc Giang.

Mở đầu cuộc trao đổi, GS kể về những tấm gương hiếu học, hiếu thảo như: Sinh viên Lê Thị Thắm (Thanh Hóa) đoạt nhiều giải thưởng về viết chữ đẹp; chàng trai bại liệt Trần Hồng Giang (Nam Định) có tài làm thơ, viết văn hay câu chuyện làm giàu của “vua bơ” Trịnh Xuân Mười… Mỗi người sinh ra trong điều kiện khác nhau nhưng họ đã vượt khó, sống có ích. 

Chia sẻ trong buổi giao lưu, em Ngô Thị Thanh Tâm, lớp 11 chuyên Toán, Trường THPT Chuyên Bắc Giang nói: “Bố mẹ muốn em thi vào một trường đại học thuộc khối ngành quân sự nhưng em thích học ngành kinh tế. Như vậy có phải là không hiếu thảo với cha mẹ? Em nên nghe theo lời khuyên của bố mẹ hay làm theo sở thích của bản thân?". Đó cũng là băn khoăn của nhiều bạn trẻ trước ngưỡng cửa chọn trường, chọn nghề. Trao đổi về băn khoăn của Thanh Tâm, GS Nguyễn Lân Dũng đưa ra lời khuyên: "Lúc đó, các em không nên cãi lại mà cân nhắc kỹ về ý kiến của bố mẹ. Bởi bố mẹ luôn muốn định hướng những điều tốt nhất cho con, hy vọng con ra trường có việc làm, có cuộc sống tốt đẹp. Vì vậy, nếu muốn thuyết phục phụ huynh thì bản thân các em cần suy nghĩ kỹ về ngành nghề mà mình thấy phù hợp với lực học, sở thích. Nên bình tĩnh giải thích về dự định tương lai, nguyện vọng của mình để có được sự chia sẻ từ người lớn".

Làm thế nào để bày tỏ lòng hiếu thảo?- đó là câu hỏi của em Phạm Đức Việt, lớp 9A, Trường THCS Trần Nguyên Hãn và nhiều bạn khác đưa ra tại buổi trao đổi. GS Nguyễn Lân Dũng nhắn nhủ: Còn cha, còn mẹ là hạnh phúc nhất trên đời. Cha mẹ không bao giờ muốn nghe con nói những lời hoa mỹ, đầu môi chót lưỡi mà là những lời chân thật, thấy được sự ham học, say mê lao động, sự trưởng thành và phẩm chất tốt đẹp của con. Nếu như thời phong kiến, hiếu thảo là nghe lời, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy thì ngày nay, định nghĩa này đã thay đổi. 

Chữ hiếu về bản chất phải xuất phát từ tình yêu thương, sự quan tâm, trách nhiệm; xây dựng tình cảm gia đình dựa trên tinh thần bình đẳng, sẻ chia. Hiếu thảo là biết ơn công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ; biết ơn những thầy, cô giáo đã tận tụy truyền dạy kiến thức; biết ơn thế hệ đi trước đã hy sinh để chúng ta có cuộc sống hòa bình, độc lập hôm nay. Với những người trẻ, cách bày tỏ tốt nhất là chia sẻ công việc nhà với cha mẹ, ham học, yêu lao động, sống có trách nhiệm với bản thân, với gia đình và cộng đồng, hành động theo pháp luật. 

Tuyết Mai

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...