Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 25 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

TP Bắc Giang >> Nhịp sống đô thị
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Làm giàu từ sản xuất, kinh doanh đồ mộc

Cập nhật: 10:44 ngày 24/04/2019
(BGĐT)- Đã 56 tuổi nhưng cựu chiến binh Nguyễn Văn Lượng, tổ dân phố Giáp Tiêu, phường Dĩnh Kế, TP Bắc Giang vẫn thể hiện tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát, miệng nói tay làm của người lính. Dù đã có cơ nghiệp hàng trăm tỷ đồng nhưng ông vẫn hăng say làm việc để làm giàu cho gia đình và đóng góp xây dựng quê hương.
{keywords}

Ông Lượng điều hành xưởng mộc của gia đình.

Năm 1980, ông Lượng đi bộ đội, đóng quân ở tỉnh Lạng Sơn. Năm 1984, ông xuất ngũ trở về địa phương, cùng gia đình làm ruộng, lập gia đình, cuộc sống khi đó rất khó khăn. Sau nhiều lần trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế, năm 1999, ông quyết định mở xưởng sản xuất đồ mộc dân dụng. Vừa làm vừa học hỏi, rút kinh nghiệm, tích lũy vốn, đến năm 2007, ông mở Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Lượng Loan chuyên sản xuất, kinh doanh sản phẩm mộc dân dụng như: Giường, tủ, bàn, ghế, sập, trang trí nội thất gia đình, văn phòng. 

Công  ty có trụ sở chính tại tổ dân phố Giáp Nguột, phường Dĩnh Kế với diện tích nhà xưởng 5.000 m2. Trong xưởng có nhiều máy móc thiết bị hiện đại như: Máy cưa, máy xẻ, máy cắt, máy bào,… Ngoài ra, ông Lượng còn có hai cửa hàng buôn bán đồ mộc tại đường Giáp Hải, phường Dĩnh Kế. Sản phẩm mộc dân dụng bán cho khách hàng khắp nơi, một phần xuất khẩu sang Trung Quốc. 

Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Lượng Loan thường có từ 10 đến 15 công nhân là người dân trong vùng, trong đó có cả con em thương binh, liệt sĩ làm việc với mức lương bình quân 7-8 triệu đồng/người/tháng. Công nhân được ông quan tâm chăm lo như con em trong nhà, được trang bị các thiết bị bảo hộ lao động như: Khẩu trang, mũ, áo và được ăn bữa trưa tại xưởng. 

Ông Lượng tâm sự: “Để có được cơ nghiệp như hôm nay, vợ chồng tôi đã phải dày công vất vả, tích lũy. Tôi đã gây dựng cơ nghiệp từ hai bàn tay trắng. Có đến 15 năm trời tôi lăn lộn trên khắp đất nước Lào để tìm nguồn gỗ mua về làm đồ mộc. Khắp các tỉnh thành trong nước tôi đều đặt chân đến để tìm nguồn hàng, giao dịch với khách hàng”. Đến nay ông bà đã có cơ ngơi khang trang gồm nhà xưởng, nhà riêng, cửa hàng kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ trị giá hàng trăm tỷ đồng. 

Ông Thân Văn Đoan, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Dĩnh Kế nhận xét: “Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông Lượng còn tích cực tham gia các hoạt động nghĩa tình đồng đội như thăm hỏi, giúp đỡ cựu chiến binh hoàn cảnh khó khăn, ủng hộ địa phương xây dựng đình, chùa, các loại thuế, quỹ. Ông Lượng còn là hạt nhân văn nghệ trong các chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của địa phương”. 

Hải Yến
        

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...