Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 30 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

TP Bắc Giang >> Quy hoạch đô thị
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Xử lý vi phạm hạ tầng sau nhà dân: Kiên quyết không để tái lấn chiếm

Cập nhật: 10:47 ngày 20/09/2018
(BGĐT)- Thời gian qua, nhiều hộ dân chiếm dụng diện tích phía sau hai dãy nhà để xây dựng công trình phụ gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường, cản trở hoạt động cứu hộ, cứu nạn, vệ sinh hệ thống thoát thải. Thực hiện sự chỉ đạo của TP Bắc Giang, các phường, xã trên địa bàn đã và đang quyết liệt xử lý vi phạm, đạt kết quả cao.  

Mạnh tay xử lý

Là nơi có số lượng công trình lấn chiếm hạ tầng hệ thống thoát thải lớn nhất TP, từ tháng 5 năm nay, phường Hoàng Văn Thụ đã tổ chức giải tỏa. Phường gửi thông báo đến các hộ đề nghị tự tháo dỡ công trình vi phạm. Đến thời hạn quy định, hầu hết người dân không tự giác chấp hành, phường bố trí lực lượng gồm đội trật tự đô thị (TTĐT) phường, đại diện đoàn thể tổ dân phố, một số đảng viên và sự hỗ trợ của thanh tra TTĐT TP ra quân tháo dỡ. Hiện  phường đã xử lý gần 180 trường hợp vi phạm, đạt khoảng 75%. 

{keywords}

Lực lượng TTĐT phường Hoàng Văn Thụ giải tỏa lấn chiếm hạ tầng thoát nước sau nhà dân.

Với phương châm xử lý dứt điểm, sau đợt ra quân vài ngày, lực lượng TTĐT phường tiếp tục kiểm tra và phát hiện 8 hộ tái lấn chiếm nên một lần nữa lập biên bản và tháo dỡ công trình vi phạm. Anh Dương Mạnh Hà, Đội trưởng Đội TTĐT phường cho biết: “Dự kiến trong hai tháng tới, chúng tôi sẽ xử lý toàn bộ vi phạm ở các khu vực còn lại”.

Qua làm điểm ở phường Hoàng Văn Thụ, vào tháng 7, Chủ tịch UBND TP yêu cầu sơ kết, rút kinh nghiệm để triển khai trên toàn TP. Trong hai tháng 8 và 9, nhiều phường, xã tập trung cao cho nhiệm vụ này. Đến nay phường Trần Phú đã cơ bản hoàn thành giải tỏa vi phạm hạ tầng kỹ thuật phía sau hai dãy nhà. Theo khảo sát, trên địa bàn có 30 trường hợp vi phạm thuộc ngõ 23 và 43, đường Á Lữ. Nhiều công trình đã tồn tại lâu năm và khá kiên cố như: Bệ bếp, mái lợp, chậu rửa mặt… 

Chủ tịch UBND phường Nguyễn Mạnh Hải thông tin: Ngoài huy động lực lượng của phường, tổ dân phố, phường còn bố trí 8 thợ cơ khí, khoan phá bê tông… để tháo dỡ các công trình bảo đảm an toàn. Sau khi giải tỏa, phường giao tổ dân phố quản lý, huy động nhân dân đóng góp kinh phí dọn vệ sinh khơi thông cống rãnh, yêu cầu các hộ ký cam kết không vi phạm. 

Hiện đã có 9/13 phường, xã có vi phạm ở lĩnh vực này triển khai và tháo dỡ 535 /711 công trình, vật dụng vi phạm. Qua đó từng bước trả lại không gian thông thoáng phía sau khu dân cư. Các phường, xã khác đang tiếp tục xử lý vi phạm ở các khu vực còn lại với mục tiêu trong năm nay sẽ giải quyết dứt điểm.  

Không “bắt cóc bỏ đĩa”

Tình trạng cơi nới, lấn chiếm không gian phía trên hệ thống cống thoát nước giữa các dãy nhà dân diễn ra đã lâu. Nhiều nơi bị người dân chiếm dụng làm khu vực đun nấu, chứa đồ, thậm chí xây, lắp chuồng sắt nhốt vật nuôi gây ô nhiễm môi trường. Những công trình này bịt kín khiến công nhân đô thị không có đường đưa nhân lực, thiết bị xuống lòng cống để nạo vét, dẫn đến hiện tượng nước thải không lưu thông, gây tắc cống ngầm. Hơn nữa còn cản trở lực lượng cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra tình huống khẩn cấp. Những năm trước, một số phường, xã từng tiến hành giải tỏa song do chưa thực hiện đồng bộ, quyết liệt nên sau xử lý lại tái diễn vi phạm.

Nhiều ý kiến cho rằng cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ khâu tuyên truyên, kiểm tra, vận động đến xử lý tái lấn chiếm. Kinh nghiệm tại phường Trần Phú và Hoàng Văn Thụ là sau khi tháo dỡ công trình vi phạm sẽ bàn giao hiện trạng hệ thống cho tổ dân phố để ngăn chặn vi phạm. Việc chấp hành nghiêm quy định của chính quyền TP là một trong những tiêu chí bình xét gia đình văn hóa hằng năm. Chính quyền, đoàn thể các phường, xã cùng với các tổ dân phố cần tập trung làm tốt công tác vận động, nhắc nhở người dân chấp hành nghiêm quy định; phát động nhân dân dọn dẹp, tổng vệ sinh phía sau các dãy nhà. 

Ông Nông Bằng Sơn, Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị TP nhấn mạnh: Sau khi giải tỏa các công trình vi phạm hạ tầng, UBND TP chỉ đạo các phường, xã huy động xã hội hóa dọn vệ sinh, láng xi măng, lát gạch làm sạch phía sau nhà mà không can thiệp làm ảnh hưởng đến kết cấu và việc thoát thải. Được biết, từ tình hình thực tế, các phường, xã đã có biện pháp giải quyết một số bất cập hiện có tại một số khu vực. Đơn cử như phường Hoàng Văn Thụ đã đề nghị TP cho phép hộ dân đóng cánh cổng sắt có khóa tại đầu hai dãy nhà để giữ an ninh trật tự ở khu dân cư, ngăn ngừa việc xả thải bừa bãi tại những khu vực này mà vẫn bảo đảm thông thoáng, thuận lợi khi cần dọn vệ sinh, hoạt động cứu hộ cứu nạn.

Sự quyết liệt, tập trung cao trong quá trình xử lý vi phạm hạ tầng phía sau nhà dân như hiện nay góp phần để TP có diện mạo mới, nâng cao ý thức chấp hành quy định về quản lý trật tự, vệ sinh đô thị của người dân trên địa bàn.

Quản lý đường dây điện, cáp viễn thông và thoát thải ở TP Bắc Giang
(BGĐT) - Qua các cuộc tiếp xúc, cử tri TP Bắc Giang phản ánh: Quy hoạch đô thị của TP còn chắp vá, đường dây điện, cáp viễn thông chưa bó gọn, gây cản trở giao thông và mất mỹ quan đô thị. Cử tri cũng đề nghị nâng cấp hệ thống thoát thải của TP, bảo đảm sinh hoạt của nhân dân, tránh tình trạng nhiều nơi bị úng ngập khi mưa lớn. 

Vi Lệ Thanh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...