Thứ ba, 16/04/2024
Bắc giang 31 °C / 24 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Tự hào người Bắc Giang
Tự hào người Bắc Giang
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Gia đình Đại tá Phạm Văn Trọng: Nối nghiệp lính Cụ Hồ

Cập nhật: 05:47 ngày 20/08/2017
(BGĐT) - Ở khu dân cư Hồ Bắc, phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) có một gia đình 4 thế hệ tham gia quân ngũ. Đó là gia đình Đại tá Phạm Văn Trọng, Phó Sư đoàn trưởng - Tham mưu trưởng Sư đoàn 346 (Quân khu 1).
{keywords}

Các thành viên trong gia đình Đại tá Phạm Văn Trọng ôn lại truyền thống cách mạng.

Những năm tháng hào hùng

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ông Phạm Huy Tế (SN 1895) cùng con trai là Phạm Duy Hệ (SN 1925) đã cùng tham gia đội du kích xã Lam Sơn, huyện Thanh Miện (Hải Dương). Hai cha con đã cùng cán bộ, chiến sĩ bộ đội trên địa bàn đánh thắng hàng chục trận lớn nhỏ. Đến năm 1949, trong một lần giặc Pháp đi càn, cả 2 bố con cụ Tế bị bắt. Những đòn tra tấn khiến cụ Tế suy sụp sức khỏe và hy sinh ngay trong nhà ngục Hải Dương. Còn ông Hệ sau đó đã được cứu thoát. Về địa phương với nhiều vết thương, ông Hệ vẫn không nản lòng, khi các vết thương liền da, nghe tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông tòng quân tại Trung đoàn 88, Đại đoàn 308. Tại đây, ông Hệ trực tiếp cùng đồng đội tham gia hàng chục trận đánh.

Khi kháng chiến chống Pháp kết thúc, do sức khỏe hạn chế, ông Hệ trở về quê nhà công tác. Trải qua nhiều cương vị trong cấp ủy và chính quyền địa phương (trong đó có Chủ tịch UBND xã Lam Sơn), ông luôn phát huy tinh thần người lính Cụ Hồ, gương mẫu, đi đầu trong mọi công việc, được nhân dân tin yêu.

Tiếp nối truyền thống gia đình

Lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng, được nghe cha kể nhiều chuyện về người lính Cụ Hồ nên chàng trai Phạm Văn Trọng luôn ước mơ sau này được khoác trên mình chiếc áo bộ đội giống bố và ông nội. Với quyết tâm đó, năm 1985, khi vừa 18 tuổi, Phạm Văn Trọng thi đỗ vào Trường Sĩ quan Lục quân 1, Khoa Trinh sát bộ binh. Gần 30 năm công tác tại Quân khu 1, Đại tá Phạm Văn Trọng không bao giờ quên được những năm tháng tham gia rà phá bom mìn nơi biên giới Lạng Sơn, Cao Bằng. Đầu năm 1994, khi được đơn vị giao nhiệm vụ chỉ huy việc rà phá bom mìn sau chiến tranh ở khu vực biên giới, ông không khỏi lo lắng. Bởi trước đó, đã có 3 cán bộ, chiến sĩ bị thương nặng do bom mìn nổ bất ngờ. 

Qua nhiều ngày tìm hiểu địa hình, ông tìm ra phương án tối ưu để bảo đảm an toàn cho cán bộ, chiến sĩ. Nhờ đó, trong 4 năm, Tiểu đoàn Trinh sát 31 (Quân khu 1) đã rà phá hàng nghìn quả bom, mìn trên dọc tuyến biên giới, không có đồng chí nào bị thương. Dũng cảm, mưu trí, ông Trọng được lãnh đạo đơn vị tin tưởng và luân chuyển qua nhiều vị trí chủ chốt trước khi bổ nhiệm Phó Sư đoàn trưởng - Tham mưu trưởng Sư đoàn 346.

Là con trai duy nhất của Đại tá Phạm Văn Trọng, anh Phạm Trọng Khôi (SN 1996) cũng muốn được tiếp nối truyền thống gia đình. Đầu năm 2017, anh tình nguyện lên đường nhập ngũ, đóng quân tại Trung đoàn 141, Sư đoàn 3 (Quân khu 1). Hạ sĩ Phạm Trọng Khôi cho biết: “Từ nhỏ khi cùng mẹ đi thăm bố tại đơn vị, tôi đã có ấn tượng với môi trường rèn luyện kỷ luật trong quân đội. Do đó, tôi càng quyết tâm. Sau vài tháng nhập ngũ, tôi cảm thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều. Vừa qua tôi đã hoàn thành tốt đợt huấn luyện chiến sĩ mới và được cử đi học lớp tiểu đội trưởng tại Trường Quân sự (Quân khu 1). Tôi sẽ tiếp tục cố gắng học tập và rèn luyện để được gắn bó lâu dài với môi trường quân ngũ”.

Nhà có 2 “trụ cột” đều tham gia quân ngũ, thời gian dành cho gia đình không nhiều, mọi việc lớn nhỏ đều do người vợ, người mẹ là Đại úy Vũ Thị Yến chăm lo. Bà Yến đang công tác tại Cơ quan điều tra hình sự khu vực 4 (Quân khu 1) nên rất thấu hiểu công việc của chồng và con trai mình. Bà tự nhủ sẽ cố gắng làm tốt trách nhiệm với 2 bên gia đình nội, ngoại để chồng và con yên tâm công tác.

4 thế hệ trong gia đình đều tham gia quân ngũ gắn với mỗi quá trình lịch sử khác nhau. Các thành viên trong gia đình Đại tá Phạm Văn Trọng đều lấy đó làm niềm tự hào về truyền thống của gia đình, luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Việt Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...