Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 32 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Tự hào người Bắc Giang
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Anh Nguyễn Thế Dương, xã Hoàng Lương (Hiệp Hòa): Nối nhịp bờ vui

Cập nhật: 11:22 ngày 14/09/2018
(BGĐT) - 40 tuổi, anh Nguyễn Thế Dương ở thôn Đại Thắng, xã Hoàng Lương, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) cùng gia đình gây dựng cơ ngơi bạc tỷ với nghề sản xuất, kinh doanh rau cần và cá giống. Nhưng mong muốn của anh không chỉ là làm giàu cho mình mà phải làm sao để làng nghề ngày càng bền vững, thịnh vượng. Và như vậy, cần có một cây cầu bắc qua kênh đào, một con đường tốt nối cầu với quốc lộ 37.

Từ cây cầu tre

Thôn Đại Thắng (xã Hoàng Lương) với thôn Tam Hợp (xã Thanh Vân) chỉ cách nhau một con kênh đào rộng hơn 10 m, sâu vài mét nước. Người làm đồng, chăn trâu bờ bên này với sang chuyện vãn với người bờ bên kia, các thế hệ trai gái hai làng thương nhau, kết duyên chồng vợ, sinh con đẻ cái; ấy vậy mà suốt bao năm, người dân chịu cảnh “gần nhà xa ngõ”. 

Từ Đại Thắng tính đường chim bay ra “đường cái” (quốc lộ 37) chỉ vài trăm mét thế nhưng dân làng phải đi vòng hoặc sang Thanh Ninh (Phú Bình -Thái Nguyên) hoặc phải qua Hoàng An, gần cũng mất vài ba cây số, xa thì bảy, tám cây. Nghề cá - cần ở Hoàng Lương phát đạt, các hộ trong đó có gia đình anh Dương đều có ô tô vận chuyển hàng đi xa. 

{keywords}

Anh Nguyễn Thế Dương.

Hằng năm, tính theo lịch âm, mùa cá giống bắt đầu từ cuối tháng 3 đến hết tháng 6, mùa cần từ cuối tháng 8 đến hết tháng 3 năm sau, cứ thế gối nhau. Người, xe vào ra các thôn của Hoàng Lương tấp nập. Đường thôn, xã trước đây đã được đổ bê tông giờ nhiều chỗ xuống cấp. Vì thế ô tô, xe máy vào thôn phải đi vòng tránh lại càng xa.

Anh Dương kể, cách nhau chưa đầy cây số mà mỗi khi sang bên ngoại ăn bữa cơm hay ngược lại mời anh em bên đó, hai bên đều phải vòng xa gấp ba lần. Dân trong thôn ngày nào cũng phải sang Thanh Vân mua bán hàng hóa, đồ dùng thiết yếu, con em đi làm ở công ty rồi người dân đưa trẻ nhỏ đi khám bệnh, thật trăm đường bất tiện. Nhà anh nằm sát con kênh phân chia ranh giới hai thôn, hằng ngày phải qua lại cũng như chứng kiến cảnh ấy, anh nảy ra ý tưởng làm một cây cầu.

Nghĩ là làm, đầu năm 2015, lúc đó đang là mùa khô, anh bỏ tiền mua tre tận Thái Nguyên, dụng công cưa, ghép, mua cọc sắt đóng xuống lòng kênh làm trụ cầu, hì hục nửa tháng, cây cầu tre bề mặt rộng nửa mét khá chắc chắn cho người đi bộ cũng hoàn thành. Chi phí hoàn thiện mất hơn 3 triệu đồng. 

Gần 3 năm, nhờ cây cầu tre mà người và phương tiện thô sơ qua lại thuận tiện, rút ngắn quãng đường, giúp ích không nhỏ cho sinh hoạt hằng ngày của bà con hai bên, nhất là các gia đình có con nhỏ sang khám bệnh bên Thanh Vân, đưa người thân ra quốc lộ bắt xe đi Hà Nội, Thái Nguyên. Chứng kiến việc làm ấy, có cụ cao tuổi động viên anh: “Làm cầu là làm phúc”. 

Hiện anh Nguyễn Thế Dương là Giám đốc HTX cá cần Dương Hảo với 10 thành viên. Hoạt động của HTX đã góp phần cùng các hộ dân đưa làng nghề cá - cần Hoàng Lương nổi tiếng khắp cả nước.

Ấy thế nhưng đôi khi “làm phúc… phải tội”. Một số người chỉ vì muốn tiện đã liều lĩnh phóng cả xe máy lên cây cầu tre. Có bà đưa cháu nhỏ đi khám để cháu ngồi sau xe vắt vẻo qua cầu, đứng trên gác nhìn xuống anh thót tim chỉ lo không may cháu bé rơi xuống nước. Những khi có dịch bệnh, xác động vật rồi rác rưởi từ thượng nguồn đổ về mắc ở chân cầu, mùi hôi thối bốc lên xung quanh, có người thấy vậy nói khó nghe, chưa kể đơn vị thủy nông nhắc nhở vì rác làm cản trở dòng chảy. Anh lại hì hụi vớt rác và xác động vật đem chôn.

“Người dân vui là tôi vui”

Gần ba năm, cây cầu tre theo nắng mưa, gánh người qua lại cũng dần xuống cấp. “Thời điểm đó vào cuối năm 2017. Tôi lo lắm, cầu thì ọp ẹp trong khi người qua lại không ngớt, không có cầu thì không sao, có cầu mà lỡ xảy ra tai nạn, nếu ai đó gặp chuyện không may thì mình ân hận suốt đời. Đến lúc phải dỡ cầu đi thôi”. Anh Dương bộc bạch. 

Nhưng qua mấy năm, dù chỉ là cây cầu tre tạm cũng đã giúp hàng nghìn lượt người đỡ vất vả đi lại hằng ngày, cũng may không xảy ra vụ tai nạn nào. Hai thôn Đại Thắng và Thanh Lâm có hàng nghìn hộ, nhu cầu đi lại rất lớn, nay phá cầu đi không đành, cảm giác như mình tự tay cắt đứt lối đi lại của bà con, trong lòng anh rất day dứt. Trò chuyện về ý tưởng làm hẳn một cây cầu mới chắc chắn hơn với một số người trong thôn, anh nhận được sự đồng tình cao. Có người mới chỉ nghe anh nhắc chuyện làm cầu đã rút tiền ra góp.

Để làm được cầu, anh báo cáo lãnh đạo thôn, xã để nhờ hướng dẫn thủ tục, cam kết tự đứng ra lo kinh phí. Cũng phải mất một thời gian, sau khi xem xét kỹ, đơn vị quản lý kênh mới đồng ý cho anh làm cầu với điều kiện khi cơ quan nhà nước tháo dỡ phục vụ nâng cấp, cải tạo hay xây dựng công trình trên kênh, anh không được nhận bất kỳ khoản bồi thường nào. 

Vậy là anh bắt tay xây dựng cầu vào những ngày tháng Chạp năm 2017 với mong muốn người dân hai thôn sẽ có cầu đi lại thuận lợi trong dịp Tết Nguyên Đán. “Bỏ ra mấy chục triệu đồng, không phải là mình đã dư dả, nhưng nghĩ việc làm mang lại lợi ích cho nhiều người, trong đó có gia đình mình thì tôi thực sự thấy vui và ý nghĩa”.

Mặc dù không có bất kỳ động thái kêu gọi ai đóng góp hay yêu cầu gì nhưng theo lời anh Dương, từ khi bắt đầu khởi công cho đến thời điểm hiện tại, nhận thấy sự thuận tiện, những người dân hay qua lại đều gặp anh góp tiền với mong muốn cùng anh xây dựng và giữ gìn cây cầu. Mọi người đều rất cảm kích và thường nói vui “đi qua cầu nhiều quá mà không góp chút công sức thì rất ngại”. 

{keywords}

Cây cầu sắt khá chắc chắn, xe máy vận chuyển hàng qua lại dễ dàng.

Chi phí để xây dựng chiếc cầu khoảng 70 triệu đồng, số tiền do người dân tự nguyện đóng góp khoảng 30 triệu đồng, phần còn lại gia đình anh bỏ ra. Cầu có 4 trụ bê tông chắc chắn, sắt trục 2 dầm, dài 18 m, mặt cầu làm bằng thép chống trơn rộng 1,55 m; hai bên lan can sắt hàn cố định để bảo đảm an toàn, chịu lực khoảng 2 tấn. Người đi xe máy chở gia súc, cá giống, rau cần đều đi qua dễ dàng.

Và làm đường

Từ khi có cây cầu, việc đi lại giữa hai bên bờ kênh thuận tiện hơn hẳn. Điển hình là công nhân đi làm ở khu cụm công nghiệp, những người dân đi khám bệnh hay qua lại thăm thân giữa hai thôn, mua sắm đồ dùng sinh hoạt thiết yếu... Mọi người có thể tự do đi lại qua cầu mà không mất một khoản tiền nào. Quãng đường từ các thôn Đại Thắng, Thanh Lâm, Tân Định sang quốc lộ 37 thuộc xã Thanh Vân giờ rút ngắn chỉ còn vài trăm mét. 

Nhiều người dân quanh đây đều rất vui mừng và biết ơn gia đình anh Dương với công trình cầu dân sinh tiện lợi này. Ông Nguyễn Văn Chung, 60 tuổi, thôn Đại Thắng nói: “Có cây cầu tiện lợi đủ đường. Con dâu tôi làm công nhân hằng ngày qua lại đây cũng tự nguyện góp 500 nghìn. Làm cây cầu tốt như vậy nhưng anh ấy không hề đòi hỏi gì ở bà con”.

Con đường nhỏ thuộc thôn Tam Hợp nối từ đầu cầu ra quốc lộ rất hẹp men qua bờ mương, một bên là ruộng lúa; mùa mưa vừa rồi đã xảy ra tai nạn do trơn trượt. Anh Dương cùng với một số người bạn bỏ ra 4 triệu đồng mua đá rải tạm chống trơn, lên kế hoạch mua ruộng của người dân để mở rộng đường, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại. 

Hiện các anh đã hoàn tất các thủ tục theo quy định và mua xong phần đất 1 nghìn m2 với chi phí 400 triệu đồng phục vụ cho việc mở rộng bề mặt con đường lên 3,5 m, đổ bê tông dày 20 cm. Kinh phí làm đường dự kiến khoảng 200 triệu đồng, anh dự tính sẽ làm thủ tục đề nghị xã Thanh Vân xem xét hỗ trợ xi-măng; chỉ chờ bà con thu hoạch xong lúa mùa là bắt tay làm đường.

Mặc dù đã có cây cầu sắt, anh Dương vẫn thiết tha mong muốn các cấp chính quyền quan tâm dành cho nhân dân hai bên bờ kênh một cây cầu bê tông chắc chắn, rộng rãi hơn để phục vụ giao thông và phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa của Hoàng Lương.

Hai "cờ" nâng cánh Hoàng Lương
(BGĐT) - Giờ thì cá - cần đã không còn xa lạ với mọi người khi nói đến xã Hoàng Lương, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang). Họ bảo, hai “cờ” đã nâng cánh Hoàng Lương lên thành vùng nông thôn mới, sản xuất hàng hóa có thương hiệu VietGAP hẳn hoi.
 
Giá rau cần Hoàng Lương đang ổn định ở mức 9 nghìn đồng/kg
(BGĐT) - Từ đầu tháng 1-2018 đến nay, giá rau cần Hoàng Lương (Hiệp Hòa) ổn định ở giá 9 nghìn đồng/kg, cao hơn 4 nghìn đồng so với thời điểm cuối tháng 12-2017. Đây là thời điểm có giá rau cao và ổn định nhất từ trước đến nay.
 
Nông dân Hoàng Lương thu hoạch 15 tấn rau cần/ngày
(BGĐT)-Năm nay, nông dân xã Hoàng Lương, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) trồng 160 ha rau cần, tập trung ở các thôn: Đại Thắng, Thanh Lâm, Thanh Lương, Đồng Hoàng, Ninh Giang,  tăng 10 ha so với năm 2015. Trong đó có 30 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. 
 

Kim Hiếu - Ngọc Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...