Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 24 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Tự hào người Bắc Giang
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Thám hoa Quách Nhẫn - vị khai khoa làng Song Khê

Cập nhật: 10:00 ngày 25/11/2018
(BGĐT) - Làng Song Khê, xã Song Khê, huyện Yên Dũng xưa, nay thuộc TP Bắc Giang có thể coi là làng khoa bảng sớm nhất trong cả nước. Người khai khoa đầu tiên là Quách Nhẫn đỗ đệ nhất giáp, đệ tam danh Thám hoa khoa thi Thái học sinh năm Ất Hợi niên hiệu Bảo Phù 3 (1275).

Làng Song Khê không chỉ có dòng họ Đào là dòng họ khoa bảng mà còn có tới 5 vị đỗ đại khoa, trong đó có một Trạng nguyên (Đào Sư Tích khoa thi Giáp Dần niên hiệu Long Khánh-1374), một Bảng nhãn (Đào Toàn Bân, đỗ Đệ nhị giáp khoa thi Thái học sinh năm Nhâm Thìn, niên hiệu Thiệu Phong - 1352, là cha của Đào Sư Tích), một Thám hoa Quách Nhẫn, đỗ Đệ nhất giáp, Đệ tam danh Thám hoa khoa thi Thái học sinh năm Ất Hợi niên hiệu Bảo Phù 3 (1275), hai Tiến sĩ: Đào Thục Viện đỗ Tiến sĩ năm Nhâm Tuất 1502 thời Lê sơ và Ninh Triết đỗ Tiến sĩ năm Tân Mùi 1571 thời Lê Trung Hưng. Như vậy, truyền thống khoa bảng ở làng Song Khê được Quách Nhẫn ghi một mốc chấm son đầu tiên cho con đường khoa cử của làng này.

{keywords}

Một đoạn phố mang tên Quách Nhẫn ở TP Bắc Giang.

Cuộc đời và sự nghiệp của Thám hoa Quách Nhẫn đã có nhiều tài liệu ghi chép nhưng vẫn chưa thống nhất và đầy đủ. Phần lớn các tài liệu chỉ đưa ra thời gian ông thi đỗ Thám hoa mà chưa cho biết về năm sinh năm mất, thời gian làm quan của ông. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Mùa Xuân tháng 2, mở khoa thi chọn học trò lấy đỗ Trạng nguyên: Đào Tiêu; Đỗ Bảng nhãn: không rõ tên; Đỗ Thám hoa: Quách Nhẫn; Đỗ Thái học sinh 27 người, cho xuất thân theo thứ bậc khác nhau”. “Danh sách các nhà khoa bảng xứ Kinh Bắc” chép: “Quách Nhẫn, quê quán xã Song Khê, huyện Yên Dũng, đỗ năm Bảo Phù thứ ba (1275), Thám hoa”.

Sách địa chí Bắc Giang từ điển chép: “Quách Nhẫn người xã Song Khê, thôn Song Khê, huyện Yên Dũng nay là xã Song Khê, thành phố Bắc Giang. Ông sinh khoảng niên hiệu Nguyên Phong đời Trần Thái Tông (1251- 1258). Khoa thi Thái học sinh năm Ất Hợi niên hiệu Bảo Phù thứ ba (1275) đỗ Thám hoa. Quách Nhẫn là người khai khoa thứ hai cho nền cử nghiệp Hán học của Bắc Giang. Đồng thời ông cũng là vị Nho sinh ưu tú mở mang truyền thống hiếu học của làng Song Khê. Theo truyền thuyết kể thì về cuối thời gian làm quan, Thám hoa Quách Nhẫn được cử đi làm quan ở vùng Nghệ An, sau lập cư ở đó cho nên ở làng Song Khê không có hậu duệ của ông nữa”.

Tiếp cận “Kinh Bắc xứ cao khoa hiển hoạn” cho thấy tài liệu ghi chép về Thám hoa Quách Nhẫn có phần đầy đủ hơn cả, theo sách này chép: “Quách Nhẫn sinh năm Bính Dần 1246, đời vua Trần Thái Tông niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình (1232- 1251). Quê quán xã Song Khê, huyện Yên Dũng. Đỗ Đệ nhất giáp, Đệ tam danh Thám hoa khoa thi Thái học sinh năm Ất Hợi niên hiệu Bảo Phù 3 (1275) đời vua Trần Thánh Tông (1273-1278) sau triều đình bổ làm quan tới chức Hành khiển. Năm Giáp Dần 1314, ông tạ thế thọ 68 tuổi. Ông là vị đại khoa đầu tiên của Bắc Giang trước cả Trạng nguyên Đào Sư Tích cùng quê”.

Như vậy theo “Kinh Bắc xứ cao khoa hiển hoạn”, năm 29 tuổi Quách Nhẫn đỗ Thám hoa và ra làm quan được 39 năm. Làm quan, ông đã giữ tới chức Hành khiển tức chức quan đứng đầu Thượng thư sảnh (Thượng thư tỉnh) đời Trần, tức thứ Á tướng (đời Lê sơ gọi là mật viện tham tri, có nhiệm vụ chỉ đạo, xem xét công việc Thượng thư các bộ, đời Nguyễn gọi là Thượng thư).

Để ghi nhớ một danh nhân khoa bảng đời Trần, tại TP Bắc Giang đã có đường phố mang tên Quách Nhẫn. Hiện nay, truyền thống hiếu học khoa bảng của làng Song Khê được thế hệ trẻ tiếp tục phát huy. Trong làng có 7 tiến sĩ, 10 thạc sĩ và hơn 150 cử nhân đại học, họ là thế hệ trẻ đã phát huy truyền thống vẻ vang của cha ông để xây dựng đất nước quê hương.

Hai vị khai khoa ở đất Nghĩa Phương
(BGĐT) - Trong lịch sử khoa cử tỉnh Bắc Giang, ít ai biết rằng, vùng đất Lục Nam chính là nơi phát tích đầu tiên cho nền học vấn tỉnh nhà. Hiện nay, tại xã Nghĩa Phương còn đền Hàn Lâm và nghè Giếng thờ hai vị khai khoa bảng nhãn là Hà Chiếu và Dương An Quý. 
 

Đồng Ngọc Dưỡng

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...