Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 31 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Tự hào người Bắc Giang
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nhà thơ, họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên: Kỳ nhân Phủ Lạng Thương

Cập nhật: 07:00 ngày 30/12/2018
(BGĐT) - Sở dĩ tôi dùng hai chữ kỳ nhân, một cụm từ ghép Hán-Việt không cố định gồm hai từ có nghĩa độc lập, tức là người tài để nói về nhà thơ, họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên vì họa sĩ họ Bàng là người duy nhất vẽ tranh bằng 10 ngón tay trên mọi chất liệu, chứ không vẽ bằng cọ (bút vẽ) như hầu hết các họa sĩ ở nước ta và trên thế giới từ cổ chí kim. Cũng vì thế, tôi mạn phép vong linh cụ, đặt cho cụ biệt danh là kỳ nhân.

Chữ nhân là người thì ai cũng biết. Còn chữ kỳ ở đây là kỳ tài, kỳ tích, kỳ công, chứ không có nghĩa là kỳ quặc. Vả lại, những người cùng thế hệ cụ phần lớn đã đi theo tiên tổ, nên tôi dùng hai chữ kỳ nhân theo nghĩa Hán- Việt để tỏ lòng kính trọng đối với thế hệ vàng những tài năng xuất chúng của nước ta trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

{keywords}

Nhà thơ, họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên.

Dòng dõi trâm anh

Nhà thơ, họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên tên thật là Bàng Khởi Phụng. Ông sinh ngày 13-8-1925 tại Phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang, gốc quê ở làng Đôn Thư, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ông là em ruột nhà thơ, họa sĩ Bàng Bá Lân, người có hai câu thơ Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi nổi tiếng đến mức, từ hơn nửa thế kỷ qua phần lớn người đời đều cho đấy là ca dao, chứ không phải thơ của nhà thơ cụ thể nào. Về nhà thơ, họa sĩ Bàng Bá Lân, trước đây tôi đã có dịp giới thiệu trên Báo Bắc Giang và một số báo, tạp chí.

Không chỉ có nữ sĩ Bàng Ái Thơ là con gái đầu của nhà thơ, họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên mà cả bảy người con cả trai, cả gái như Bàng Sĩ Trực, Bàng Phương Chính, Bàng Thục Bân… cũng đều nối nghiệp gia tộc vừa làm thơ, vừa vẽ và ai cũng gặt hái thành công nhất định. Nữ sĩ Bàng Ái Thơ hiện là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Bàng Sĩ Nguyên sinh trưởng trong một gia đình trí thức và gia giáo, trước đây thường gọi là gia đình dòng dõi trâm anh. Cha ông là Bàng Nguyên Dũng, từng theo học Trường Đông Kinh nghĩa thục, rất giỏi chữ Hán và từng mở hiệu thuốc Bắc ở phố Thuốc Bắc, Hà Nội.

Thuở nhỏ, cậu bé Nguyên theo học ở Trường Thăng Long- Hà Nội cùng với nhà văn Nguyễn Đình Thi. Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ (năm 1946), Bàng Sĩ Nguyên xung phong vào bộ đội và làm báo ở chiến khu Việt Bắc. Sau hòa bình lập lại năm 1954, ông tiếp tục học hết chương trình đại học tại chức. Ông từng làm biên tập ở tuần báo Văn nghệ, rồi làm biên tập cho Nhà xuất bản Văn học và Nhà xuất bản Tác phẩm mới (nay là Nhà xuất bản Hội Nhà văn) cho tới khi nghỉ hưu.

Nhà thơ, họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên từng chia sẻ: “Gia đình tôi gốc Nho học. Từ năm 1947, tôi đã được cùng công tác hoặc quen biết với các anh Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Tế Hanh... và đọc nhiều tác phẩm của các anh ấy. Tôi viết từ những năm ở Việt Bắc, khát vọng quy chiếu bản thân, cảm nhận, thâu nạp những điều gì nên viết thì viết. Cũng chẳng nhớ sự việc ấy trong trí nhớ, ký ức, thời gian nào, chỉ biết đó là những phút thăng hoa tâm thái mà viết như kiểu các thiền sư Ấn Độ vậy... Như cha tôi đã dạy: Nhà ta ai cũng phải cầm lấy cây bút mà sống”.

Một đời mang nghiệp văn chương

Một đời cầm bút, chỉ tính về thơ và văn, Bàng Sĩ Nguyên đã để lại cho đời một khối lượng tác phẩm tương đối lớn bao gồm: Mùa hoa trên núi (1957), Ban đầu (1959), Ánh thép (1961), Trên mảnh đất của tình thương (1966), Nay mình hái quả (1972), Người con gái Bắc Sơn (1973), Hồn nhiên (1979), tập truyện ngắn: Niềm vui...

Bàng Sĩ Nguyên làm thơ, viết truyện và làm báo từ đầu cuộc kháng chiến chống thực Pháp xâm lược. Bài thơ Vợ chồng đi chợ xuân được ông viết từ đầu những năm 50 của thế kỷ trước đã đi vào lòng người yêu thơ nhiều thế hệ. Bài thơ tái hiện thứ ngôn ngữ hết sức hồn nhiên, trong trẻo về đời sống văn hóa truyền thống của người Mông ở vùng cao Việt Bắc, gồm 6 khổ, 24 câu. Và đây là hai khổ mở đầu:

Núi rừng xa mờ xanh với xanh
Đường non như lưng rồng uốn khúc
Vợ ngồi lưng ngựa vợ đi trước
Chồng nắm đuôi ngựa chân theo nhanh
Vợ chồng xuống núi đi chợ xuân
Sương sớm còn che như lấp lối
Vó ngựa cuốn nhanh chồng ríu chân
Vợ thương ghìm cương dừng ngựa lại.

Chỉ cần đọc hai câu: Vợ ngồi lưng ngựa vợ đi trước/ Chồng nắm đuôi ngựa chân theo nhanh đủ biết là thơ của người từng sống lâu trên vùng cao với đồng bào Mông. Mỗi lần đôi vợ chồng người Mông xuống chợ, hàng chất qua hai bên hông ngựa, vợ cưỡi trên lưng ngựa, chồng đi theo sau. Lúc lên dốc thì hoặc là quát hoặc là lấy roi vụt vào mông cho ngựa đi nhanh lên. Lúc xuống dốc thì chồng cầm đuôi ngựa để phanh lại, không cho đi quá nhanh dễ ngã. Đến chợ, chồng vui gặp bạn cũ, ngồi uống rượu bằng say. Vợ mua bán xong hàng, dắt ngựa đứng đợi, chờ cho đến khi chồng có thể trèo lên lưng ngựa cưỡi. Vợ đi theo sau, dong cả ngựa lẫn chồng về.

Gió mát nằm lâu chưa hết say
Nâng chồng lên ngựa hàng chất đầy
Vợ đi thong thả theo sau ngựa
Về núi tay cương, chồng lỏng tay…

Và đấy cũng chỉ có thể là câu thơ của một người có óc quan sát tinh tế, mang đầy tính trực cảm của hội họa theo cách của thi sĩ Bàng Sĩ Nguyên, không lẫn với ai.

Nhà thơ Ngô Văn Phú là một trong số những người có thời gian khá dài làm việc với nhà thơ Bàng Sĩ Nguyên ở Nhà xuất bản Tác phẩm mới (tiền thân của Nhà xuất bản Hội Nhà văn bây giờ) đã có những nhận định khá chuẩn xác về thơ của người đồng nghiệp Bàng Sĩ Nguyên: Những năm 50, Bàng Sĩ Nguyên đã nổi tiếng với bài thơ Vợ chồng đi chợ xuân và những bài thơ thiên nhiên, đặc biệt là cảnh sắc phong vị ở Việt Bắc, Tây Bắc. Có thể nói, ông là một nhà thơ người Việt viết thành công về đời sống, phong tục của các dân tộc anh em. Thơ của ông bản năng hồn nhiên, lắm lúc như ở trạng thái vô thường. Chính lúc đó, thơ của ông mới hay, mới gây được tứ lạ, cảm xúc lạ mà nhiều người không có.

Họa sĩ tài hoa

Bàng Sĩ Nguyên là một họa sĩ tài hoa. Ông từng được mời đi nghỉ và tham gia trại sáng tác thuộc vùng Hắc Hải (Liên Xô). Ở trại sáng tác Hắc Hải, một người bạn Do Thái có nói với Bàng Sĩ Nguyên: Ông làm thơ để làm gì, trong lúc, tranh ông lại đẹp như thế. Sau lời động viên đó, ông liên tục vẽ tranh và mở phòng tranh cá nhân đầu tiên ở Hà Nội năm 1973.

Họa sĩ Bàng Sĩ Trực, con trai ông kể lại: “Có năm bố tôi bỗng dưng mắt bị mù, một bạn sưu tập tranh bảo đưa ông đi khám nhưng ông nhất định phải chờ con trai từ Hà Nội vào đưa đi mới chịu đi. Rồi trong khi đang băng hai mắt lại, ông đòi tôi căng toan lên để vẽ, ông vẽ trong bóng tối mà vẫn thành một bức tranh với đầy đủ bố cục, màu sắc. Có nghĩa là ông vẽ tranh không cần nhìn, không cần ánh sáng, chỉ bằng cảm nhận của tâm hồn và sự căn chỉnh của đôi tay...”.

Một người vẽ bằng mười đầu ngón tay, vẽ trên mọi chất liệu, vẽ khỏe, vẽ cả khi mắt không nhìn thấy nhưng lại rất đam mê vẽ tranh khỏa thân. Khi còn sống, họa sĩ đã vẽ hẳn một bộ tranh Kiều theo thể loại khỏa thân lên đến hàng chục bức vẫn còn “nguyên đai, nguyên kiện”, không bán và cũng chưa tổ chức triển lãm bao giờ. Hiện họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên có 5 bức tranh được trưng bày tại Viện Bảo tàng Mỹ thuật ở Tokyo Nhật Bản.

Những năm tháng cuối đời, ông một mình dọn vào Sài Gòn ở để vẽ. Lý giải về việc ra đi của mình, người họa sĩ tài hoa cho biết, ở Hà Nội ông thấy buồn nhiều hơn vui, nên đã quyết định đi trốn để thả hồn mình vào những bức vẽ.

Nhà thơ, họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày mùng 6-5- 2016 để về với tổ tiên, hưởng thọ 92 tuổi. Ông đã để lại cho con cháu và các thế hệ đời sau về một tấm gương lao động nghệ thuật nghiêm túc, không mệt mỏi với thành quả là hàng nghìn bức tranh, nhiều tập thơ và truyện.

Thám hoa Quách Nhẫn - vị khai khoa làng Song Khê
(BGĐT) - Làng Song Khê, xã Song Khê, huyện Yên Dũng xưa, nay thuộc TP Bắc Giang có thể coi là làng khoa bảng sớm nhất trong cả nước. Người khai khoa đầu tiên là Quách Nhẫn đỗ đệ nhất giáp, đệ tam danh Thám hoa khoa thi Thái học sinh năm Ất Hợi niên hiệu Bảo Phù 3 (1275).
 
Tiến sĩ Ngô Văn Cảnh- Bậc tôi hiền triều Lê
(BGĐT) Đệ nhị giáp đồng Tiến sĩ xuất thân Ngô Văn Cảnh sinh năm Quý Hợi, dưới đời vua Lê Nhân Tông niên hiệu Thái Hòa thứ 1 (1443), ở làng quê có truyền thống hiếu học khoa bảng (làng Tiến sĩ) xã Yên Ninh, huyện Yên Dũng xưa, nay là làng Yên Ninh, thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên (Bắc Giang).
 
Trung tá Nguyễn Văn Ký, Chính trị viên đảo Nam Yết: Trụ vững nhờ đồng đội sẻ chia, hậu phương vững chắc
(BGĐT) - Trong chuyến công tác thăm quần đảo Trường Sa mới đây, tình cờ tôi gặp Trung tá Nguyễn Văn Ký, Chính trị viên đảo Nam Yết là đồng hương làng trên xóm dưới với tôi. 27 năm trong quân ngũ thì 8 năm anh công tác ở các đảo, những nơi khó khăn, gian khổ nhất. Ký bảo với tôi rằng, trụ vững được như thế là nhờ đồng đội sẻ chia, hậu phương vững chắc.
 

Đỗ Ngọc Yên

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...