Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 34 °C / 27 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Tự hào người Bắc Giang
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Hai “Sao Mai” từ vùng đất vải thiều Bắc Giang

Cập nhật: 05:04 ngày 21/04/2019
(BGĐT) - Chung kết Sao Mai 2019 diễn ra tại TP Hạ Long (Quảng Ninh) vừa khép lại vào đêm 14-4. Đúng như dự đoán của nhiều khán giả, cô gái quê Lục Ngạn (Bắc Giang) Lương Hải Yến (SN 1993) đã trở thành quán quân dòng nhạc thính phòng. 

Điều đặc biệt là tại Sao Mai 2011, chị gái của Yến - Lương Nguyệt Anh xuất sắc giành ngôi vị cao nhất dòng nhạc dân gian. Tự hào biết bao khi hai chị em Anh - Yến cùng tỏa sáng ở một sân khấu âm nhạc chuyên nghiệp và uy tín.

Một gia đình có hai "Sao Mai"

Giây phút đứng trên sân khấu nhận danh hiệu cao nhất cuộc thi Sao Mai đã qua song Hải Yến vẫn thấy lâng lâng vì hạnh phúc. Đôi mắt tròn long lanh, nụ cười tươi thường trực khi trò chuyện khiến “ngôi Sao Mai” trở nên gần gũi, thân thiện. Hải Yến khiêm tốn bày tỏ niềm tự hào, may mắn được sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống nghệ thuật. 

{keywords}

Hai chị em Lương Nguyệt Anh (bên trái) - Lương Hải Yến.

Ông bà nội, bố mẹ, các bác của em đều là những người yêu văn nghệ, biết làm thơ, viết văn và là hạt nhân văn nghệ của địa phương. Từ nhỏ, Nguyệt Anh, Hải Yến đã được đắm mình trong không gian nghệ thuật, những lời ca của ông bà, bố mẹ đã ngấm vào tâm hồn cả hai em. Cũng như chị gái Nguyệt Anh, khi mới 4-5 tuổi, Hải Yến đã biết véo von nhiều bài hát.

Trong căn nhà ở khu phố Lê Hồng Phong, thị trấn Chũ treo nhiều giấy khen, giải thưởng, huy chương của hai cô con gái, ông Lương Đình Thắng, bố của hai "ngôi Sao Mai" kể: “Hai con gái tôi có nét khác biệt: Nguyệt Anh thì cá tính, ngoài đam mê văn nghệ còn có khiếu thể thao (bóng bàn), giọng hát mượt mà phù hợp với dòng nhạc dân gian. Hải Yến bề ngoài hiền dịu, yếu đuối nhưng giọng hát có nội lực, phù hợp với dòng nhạc thính phòng hơn. Từ nhỏ hai chị em luôn hỗ trợ nhau trong học tập, cuộc sống, cứ chuẩn bị có hoạt động biểu diễn là cùng luyện tập không biết mệt. Khi thấy các con đam mê và muốn dấn thân vào con đường nghệ thuật, vợ chồng tôi không cấm cản mà luôn động viên, tạo mọi điều kiện để con rèn luyện, phát triển tài năng”.

{keywords}

Lương Hải Yến và chị gái Lương Nguyệt Anh.

Ngày nhỏ Hải Yến từng tham gia và giành nhiều giải thưởng trong các cuộc thi văn nghệ cấp huyện, tỉnh, quốc gia. Năm học lớp 10, tham gia Hội thi “Giai điệu tuổi hồng” cấp tỉnh, Hải Yến khi ấy là học sinh Trường THPT Lục Ngạn số 1 biểu diễn ca khúc “Người trên đá" của nhạc sĩ Bá Đạt đã giành giải Nhất; đến cấp toàn quốc, Hải Yến giành 1 giải Nhất, 1 Huy chương Vàng cá nhân.

Nhạc sĩ Bá Đạt (Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam), cùng ở thị trấn Chũ- là người thân thiết với gia đình Nguyệt Anh- Hải Yến, từng tư vấn, góp ý cho hai chị em khi tham gia các cuộc thi âm nhạc ở trường phổ thông khen ngợi: Trên bầu trời có một Sao Mai nhưng ở Lục Ngạn có hai ngôi sao cùng tỏa sáng trong một gia đình.

Đường đến với thành công

“Chị Nguyệt Anh đăng quang quán quân dòng nhạc dân gian Sao Mai vào tối 4-9-2011 thì ngày 5-9 em nhập học tại Khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, tiếp bước con đường âm nhạc mà chị gái đã chọn”, Yến bồi hồi nhớ lại. 

{keywords}

Hai chị em “Sao Mai” Nguyệt Anh - Hải Yến bên người thân, bạn bè.

Suốt 8 năm qua, Hải Yến luôn noi gương chị, bền bỉ học tập, rèn luyện. Cô gái trẻ cảm thấy mình may mắn khi được giảng viên, ca sĩ Lan Anh dìu dắt, dạy bảo. Từng nốt nhạc, cách giữ cột hơi ra sao từ người thầy được cô sinh viên nắm bắt, ghi nhớ. Thầy, cô ở Học viện nhận thấy Hải Yến có khả năng đặc biệt ở dòng nhạc thính phòng nên định hướng cô phát triển theo dòng nhạc này.

Mong muốn đến với nhiều sân chơi để được trải nghiệm bản lĩnh sân khấu, năm 2017 Hải Yến từng tham gia Cuộc thi Opera thính phòng toàn quốc tại TP Hồ Chí Minh. Vượt qua vòng loại nhưng đến đêm cuối cùng bước vào chung khảo và xếp giải thì cô lại ốm nên phải dừng bước. Điều đó khiến Hải Yến rất tiếc nuối và thôi thúc cô quyết tâm cao hơn, chú ý giữ gìn sức khỏe, phong độ.

Trong các cuộc thi âm nhạc, việc chọn bài là điều cực kỳ quan trọng đối với mỗi thí sinh. Nếu chọn bài phù hợp với khả năng sẽ thành công và ngược lại. Đặc biệt, dòng nhạc thính phòng kén người nghe, phải có trình độ, khả năng thẩm thấu nhất định mới có thể cảm nhận cái hay, cái đẹp của âm nhạc. Suốt hành trình tham gia Sao Mai, Hải Yến được chị gái Lương Nguyệt Anh - giảng viên Trường Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội tư vấn, giúp tôn lên chất giọng nữ cao vút, trong trẻo của mình.

Chất giọng tốt, chọn bài phù hợp cùng với bản lĩnh sân khấu vững vàng giúp Hải Yến bứt phá qua từng vòng thi. Cô ca sĩ trẻ sở hữu giọng hát đầy nội lực và nền tảng kỹ thuật thanh nhạc tốt. Ở đêm chung kết 2, với chủ đề Ca khúc Việt Nam, Lương Hải Yến đã chọn bài “Sông Đăkrông mùa xuân về” của nhạc sĩ Tố Hải. 

{keywords}

Lãnh đạo huyện Lục Ngạn tặng Giấy khen cho Hải Yến. Ảnh: Đức Thọ.

Đây là ca khúc quen thuộc với khán giả nên Lương Hải Yến gặp không ít áp lực. Cô quyết tâm “làm mới” ca khúc và phần biểu diễn đã thực sự thành công, không những thổi vào làn gió mới, tinh thần mới mà còn mang dấu ấn cá nhân, bảo đảm tính nghệ thuật nhưng vẫn “dễ nghe”, giúp khán giả cảm thụ được. 

Đêm chung kết xếp hạng, phần thi đơn ca với ca khúc “Em nhớ chàng” và song ca cùng ca sĩ Nam Khánh tác phẩm “Điệu valse đêm nay” nhận những tràng pháo tay giòn giã của khán giả; thuyết phục được những giám khảo khó tính để giành chiến thắng.

Vươn tới đỉnh cao

Dõi theo từng bước đi của em gái sau mỗi đêm thi, trên facebook cá nhân, ca sĩ Lương Nguyệt Anh động viên: “Em gái yêu thương của chị! Cho dù kết quả đêm thi sắp tới có như thế nào thì em gái chị cũng đã làm bố mẹ, gia đình tự hào về em rồi, em đã tiếp tục giữ được truyền thống âm nhạc của gia đình như chị đã từng làm! Hãy vứt bỏ tâm lý thắng thua, hãy thật sự thăng hoa để tỏa sáng nhé”. Bố của quán quân thì nhắn nhủ, cuộc thi này mới là khởi đầu cho sự nghiệp âm nhạc bởi phía trước còn rất nhiều thử thách khác, con gái phải tiếp tục rèn luyện, phấn đấu nhiều hơn.

{keywords}

Lương Hải Yến tham gia hoạt động thiện nguyện.

Đáp lại lòng yêu thương của người thân, bạn bè, cô gái trẻ cho biết dự định trong thời gian tới sẽ thử sức ở nhiều thể loại khác cũng như tạo phong cách âm nhạc riêng biệt. Sau khi kết thúc chương trình đại học vào tháng 6 tới, Hải Yến có kế hoạch học tiếp cao học để nâng cao trình độ đồng thời ra một số sản phẩm âm nhạc. 

Ngoài thế mạnh là dòng nhạc thính phòng, Lương Hải Yến thường xuyên hát những ca khúc về Đảng, Bác Hồ và quê hương Bắc Giang, nhất là về vùng đất Lục Ngạn yêu thương như: Bác Hồ một tình yêu bao la, Lời Bác dặn trước lúc đi xa, Bóng cây kơ-nia, Lục Ngạn quê hương ân tình, Người trên đá, Khuôn Thần tôi yêu... Yến chia sẻ: “Khi có dịp biểu diễn ở tỉnh bạn, em thường hát những ca khúc giới thiệu về Bắc Giang hoặc về vùng quê vải thiều để quảng bá hình ảnh quê hương mình”.

Được biết, 4 năm nay, Lương Hải Yến tham gia chương trình thiện nguyện cùng nhóm “Những tấm lòng thơ” tại Hà Nội. Qua những chuyến quyên góp tặng quà cho các em nhỏ ung thư, mắc bệnh hiểm nghèo, người dân ở vùng cao, miền núi trên mọi miền Tổ quốc như Yên Bái, Thanh Hóa, Hòa Bình, Quảng Bình; phát cháo miễn phí hằng tuần cho bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện K… Tận mắt chứng kiến những khó khăn, nỗi đau do bệnh tật của những mảnh đời thiếu may mắn, cô gái trẻ thấy mình cần sống trách nhiệm, yêu thương, chia sẻ nhiều hơn.

Tác giả “lạc bước Tây Yên Tử” Trương Ngọc Tuân: Khắc họa quê hương bằng âm nhạc
(BGĐT)- “Nhạc sĩ ngoại đạo” là biệt danh mà nhiều người đặt cho anh Trương Ngọc Tuân (SN 1967), Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Sơn Động. Anh vẫn khiêm tốn: "Xin đừng gọi tôi là nhạc sĩ hay tác giả gì đó, tôi chỉ là người say mê âm nhạc đơn thuần mà thôi".
 
Hình ảnh quê hương trong tranh Hoàng Bạch Diệp
(BGĐT) - Con người từ thời khắc chào đời cho đến khi về thế giới bên kia đều có sự chứng giám của trời đất, trời như mái nhà chung của thế giới, đất là nơi con người sống và yên nghỉ đến giây phút cuối đời. Hiểu được điều đó, nên trong tác phẩm của họa sĩ Hoàng Bạch Diệp (quê Tân Yên - Bắc Giang hiện đang sinh sống tại Hà Nội) lấp lánh ánh sáng của đạo lý làm người.
 
Tiến sĩ Diêm Đăng Huân: Hai lần giành giải thưởng toán học
(BGĐ)- Hóm hỉnh, thông minh, nói chuyện khúc triết đó là cảm nhận của nhiều người đã từng tiếp xúc với Tiến sĩ Diêm Đăng Huân, Trưởng khoa Khoa học cơ bản, Trường Đại học Nông- Lâm Bắc Giang (quê ở huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang).
 
Thư ký TAND huyện Việt Yên Đoàn Thị Thúy Nga: Đoàn viên "Hai tốt"
(BGĐT) - Học và làm theo Bác, BTV Tỉnh đoàn Bắc Giang phát động phong trào “Hai tốt” trong đoàn viên, thanh niên (Một việc tốt cho mình, một việc tốt cho xã hội). Chị Đoàn Thị Thúy Nga (SN 1989), Thư ký TAND huyện Việt Yên, Bí thư Liên chi đoàn Tòa án -Viện kiểm sát- Chi cục Thi hành án dân sự huyện là tấm gương điển hình trong phong trào này.
 
Anh Tạ Tiến Tùng: Làm giàu từ cây giống
(BGĐT) - Nhờ năng động, anh Tạ Tiến Tùng (SN 1982 -ảnh), thôn Vạn Thạch, xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) phát triển nghề trồng cây giống, thu nhập bình quân mỗi năm 400-500 triệu đồng. Ngoài ra gia đình anh còn tạo việc làm ổn định cho hơn 20 lao động.
 
Lệ Thanh - Mai Toan
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...