Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 29 °C / 25 - 28 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Tự hào người Bắc Giang
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Lấy sức người biến sỏi đá thành cơm

Cập nhật: 18:26 ngày 22/04/2019
(BGĐT) - Từ ngày vợ chồng ông bà Vũ Trường Lộc, Đào Thị Phin về khu đồi trọc không bóng người ở tổ 9, ấp 2, xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) tỉa bắp, trồng mỳ, ngăn suối thành ao, thành ruộng, nơi đây mới xuất hiện sự sống. Mỗi khi chiều đến, trên đỉnh đồi xa tít nhìn xuống thấy cuộn khói trắng bốc lên từ mái bếp, nơi vợ con đang lúi húi thổi cơm, ông Lộc càng thêm quyết tâm làm giàu trên quê hương thứ hai.

Bôn ba theo những công trình

Sinh ra và lớn lên trên quê hương cách mạng, bước sang tuổi mười tám, đôi mươi, ông Vũ Trường Lộc (ở khu 3, thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) và bà Đào Thị Phin (cùng quê) thoát ly đi làm công nhân tại Công ty Lắp máy 451 thuộc Bộ Xây dựng. Vốn là tay thợ mộc tài hoa, nói chuyện có duyên, lại cùng quê nên ông Lộc được cô thợ lắp máy cẩu chuyển Đào Thị Phin quý mến và thường hay hỏi chuyện. Dần dà cả hai trở nên thân thiết hơn. Sau khi đóng xong khu lán trại mới cho cánh thợ nữ của đơn vị, ông Lộc và bà Phin cũng chính thức kết duyên vợ chồng bằng một đám cưới nho nhỏ.

{keywords}

Cuộc sống khá giả, ông Lộc vẫn giữ thói quen lên đồi phát dọn từ sáng sớm.

Tổ ấm của anh thợ mộc và cô thợ lắp máy bắt đầu có tiếng trẻ thơ thì cả hai phải chuyển đến công trình khác lao động. Mỗi lần chuyển chỗ ở, ông Lộc lại miệt mài dựng cho gia đình nếp nhà nhỏ nơi góc khuất của công trường làm nơi che nắng, che mưa. “Mỗi lần di chuyển công trình là ông nhà tôi sút mất vài kg vì thức đêm làm lán, đóng vật dụng gia đình cho mấy mẹ con tôi sinh hoạt”- bà Phin tâm sự.

Năm 1985, vợ chồng ông bà được đơn vị điều vào miền Nam xây dựng Nhà máy thủy điện Trị An. Ngày đơn vị vào đại công trường khai thác gỗ, ông Lộc ôm cô con gái út vào lòng nói với vợ rằng, khi công trình hoàn thành ông bà sẽ quyết ở lại vùng đất này lập nghiệp, không di chuyển đi đâu nữa. Quyết tâm ấy của ông được bà ủng hộ ngay lập tức bởi lý do quan trọng nhất đó là cuộc sống người thợ bôn ba nay đây mai đó ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập của các con và khó tích cóp phòng thân.

Năm 1992, khi công trình Nhà máy thủy điện Trị An hoàn thành, bà Phin trong diện giảm biên chế. Làm gì để ổn định cuộc sống khi vợ không còn công việc ổn định. Mất nhiều ngày suy nghĩ, được bạn bè động viên, góp ý, ông Lộc quyết liều một phen khi dẫn vợ con ra quả đồi trọc rộng hơn 7 ha, không bóng người ở xã Hiếu Liêm dựng chòi làm nơi ở và bắt đầu trồng tỉa để bù vào đồng lương công nhân của bà Phin bị hụt. Còn ông Lộc vẫn cố gắng bám công trình chờ ngày về hưu. Ông Lộc nhớ lại, những ngày ấy, ban ngày ông làm mộc cho công trình, chiều về phải ra đồi phụ bà Phin dọn cỏ dại, đắp suối thành ao, ruộng để thả cá, trồng lúa. Ông nói vui, lúc ấy nghèo, nguyên quả đồi trọc rộng gần chục ha, vợ chồng ông chỉ đủ tiền mua một con bê để thả nên tiếc lắm, càng tiếc lại càng ra sức làm lụng để mong cuộc sống sẽ khấm khá hơn.

{keywords}

Ông Lộc, bà Phin nay đi chợ bằng mô tô, không còn phải cuốc bộ như trước.

Quyết chí làm giàu

Qua vài cơn mưa rừng, khu đồi trọc nơi vợ chồng ông Lộc dựng chòi không còn trơ sỏi đá. Cây lúa, bắp, mỳ bắt đầu lún phún mọc và cao dần. Con bê đã lớn thành con bò cái và đẻ được vài chú bê con. Ông Lộc cũng về hẳn phụ bà Phin làm rẫy sau khi bị tai nạn nghề nghiệp mất 41% sức khỏe. Quay lại cuộc sống nhà nông khi tuổi trẻ đã qua, sức khỏe lại yếu, ông Lộc lo lắng hơn khi các con đang bước vào tuổi ăn, tuổi học. Nén vết thương cột sống hành hạ, ông Lộc tập tễnh từng bước chân với cái nạng gỗ tự thiết kế riêng cho mình. Cứ vậy, ông nhẫn nại leo lên đồi đào hố, rẫy cỏ trồng điều, trồng mít...

{keywords}

Vợ chồng ông Lộc, bà Phin không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn là thành viên tích cực trong các phong trào xã hội, từ thiện, xây dựng đời sống mới tại ấp. “Các hội viên người cao tuổi trong xã rất nể vợ chồng ông Lộc, bà Phin ở tính ham lao động, trách nhiệm với công tác hội”.


Ông Ngô Quốc Hùng, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu).

Hôm nào trời nắng quá không đủ sức leo lên cao, ông ngồi bệt xuống đất choài người moi hố vùi cho được vài chục cây bạch đàn con mới chịu dừng tay. Nhờ kiên trì tập luyện qua lao động, sức khỏe ông Lộc dần hồi phục. Ông bắt đầu kiến thiết khu đồi của gia đình theo mô hình vườn- ao-chuồng và rừng. Trên đỉnh đồi cao, ông trồng bạch đàn để phủ xanh. Phần đất bằng, ông trồng cây ăn trái, cao su. Dưới chân đồi, vợ chồng và các con thay phiên nhau đào ao thả cá, nuôi vịt, trồng màu. Ngày làm chưa xong việc, vợ chồng ông nán đến tối mịt cho xong.

Thấm thoắt đã 33 năm từ khi rời quê hương Hiệp Hòa vào Đồng Nai lập nghiệp, ông Lộc, bà Phin giờ đã bước sang tuổi ông, tuổi bà. Khu đồi trọc cằn cỗi, không bóng người ngày nào giờ xanh màu cây trái và xuất hiện thêm 4 nóc nhà, với hơn chục đứa cháu nội, ngoại.

Các con đều đã lập gia đình và có nghề nghiệp ổn định, vợ chồng ông cũng kịp trang bị cho mình một cơ ngơi tương đối với 4 ha ao, vườn, mỗi năm thu nhập hơn 400 triệu đồng. Bà Phin cho biết, vợ chồng bà phải cắt nửa phần đất tốt từ quả đồi để bán trả nợ ngày ông Lộc bị tai nạn lao động, các con trọ học xa nhà. Vui và hạnh phúc vô cùng vì cuộc sống ngày càng đổi thay, no ấm. Đơn giản từ việc đi chợ của bà Phin không còn cảnh chân ủng cuốc bộ, tay xách, lưng gùi mà ngồi mô tô do ông Lộc chở đi, chở về.

Thấy ông bà chăm chỉ làm ăn và sống chan hòa, chính quyền xã Hiếu Liêm mời ông bà tham gia công tác người cao tuổi tại ấp. Vậy là vợ chồng ông Lộc, bà Phin nhận lời và thay phiên nhau chức Chi hội trưởng Người cao tuổi của ấp suốt chục năm nay. “Tôi làm Chi hội trưởng Người cao tuổi ấp 2 được một nhiệm kỳ thì tập thể bầu ông nhà tôi làm Chi hội trưởng thay tôi. Từ năm 2000 đến nay, năm nào ông ấy cũng được xã, huyện và tỉnh khen thưởng” - bà Phin khoe.

Nhớ về những ngày tháng đã qua, ông Lộc bày tỏ, nhìn khu đồi trọc năm xưa chai cằn sỏi đá giờ đã thành khoảnh, thành vườn, ông cũng không tin là vợ chồng ông đủ sức phủ xanh nó bằng những vườn cây xanh tốt, biến suối thành ao cá như bây giờ. Nay đã bước sang tuổi 65, ông Lộc vẫn giữ thói quen thức khuya, dậy sớm để chăm cho khu đồi thêm xanh và có được cuộc sống thảnh thơi, ý nghĩa. “Hội viên thấy tôi có tuổi, bản thân bị thương tật vẫn tham công, tiếc việc nên thường đến học hỏi kinh nghiệm. Tôi chỉ biết kể câu chuyện thời khó khăn nhìn xuống cái chòi dưới chân đồi tỏa khói mà đứt lòng khi biết các con đang đốt lửa để nướng khoai, ngô ăn thay cơm. Vì vậy mà vợ chồng tôi quyết tâm cải tạo khu đồi trọc, đầy sỏi đá này thành ruộng lúa, ao cá, vườn cây, mang lại cuộc sống đủ đầy cho con cháu” - ông Lộc bộc bạch.

Anh Tạ Tiến Tùng: Làm giàu từ cây giống
(BGĐT) - Nhờ năng động, anh Tạ Tiến Tùng (SN 1982 -ảnh), thôn Vạn Thạch, xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) phát triển nghề trồng cây giống, thu nhập bình quân mỗi năm 400-500 triệu đồng. Ngoài ra gia đình anh còn tạo việc làm ổn định cho hơn 20 lao động.
 
Thư ký TAND huyện Việt Yên Đoàn Thị Thúy Nga: Đoàn viên "Hai tốt"
(BGĐT) - Học và làm theo Bác, BTV Tỉnh đoàn Bắc Giang phát động phong trào “Hai tốt” trong đoàn viên, thanh niên (Một việc tốt cho mình, một việc tốt cho xã hội). Chị Đoàn Thị Thúy Nga (SN 1989), Thư ký TAND huyện Việt Yên, Bí thư Liên chi đoàn Tòa án -Viện kiểm sát- Chi cục Thi hành án dân sự huyện là tấm gương điển hình trong phong trào này.
 
Đại úy Dương Văn Trung: Gần dân để làm việc hiệu quả hơn
(BGĐT) - Tốt nghiệp Đại học An ninh nhân dân, qua nhiều đơn vị công tác, đầu năm 2015, Đại úy Dương Văn Trung (SN 1985) nhận nhiệm vụ mới tại Công an huyện Tân Yên (Bắc Giang). Hơn 4 năm- thời gian chưa phải là dài nhưng những gì anh làm đã phần nào khẳng định sự nỗ lực phấn đấu của bản thân, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị trên địa bàn huyện. 
 

Đoàn Phú

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...