Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 31 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Du lịch >> Tư liệu Bắc Giang
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đình Đại Từ - Cơ sở cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa

Cập nhật: 11:28 ngày 08/08/2014
(BGĐT) - Đình Đại Từ thuộc xã Thép Thượng, tổng Chu Điện, phủ Lục Ngạn xưa, nay là xã Bảo Đài, huyện Lục Nam. 

{keywords}

Đình Đại Từ.

Khảo sát nghiên cứu nét hoa văn chạm khắc trên các cấu kiện kiến trúc, các nhà nghiên cứu xác định đình Đại Từ xây dựng vào năm 1783 và được tu sửa qua nhiều giai đoạn. Trong đình thờ thần Đô Thống đại vương, Chiêu Ứng đại vương, Minh Giang hộ quốc - những người có nhiều công lao đánh giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc và được nhân dân địa phương tôn thờ làm Thành hoàng làng.

Bình đồ kiến trúc đình Đại Từ kiểu chữ đinh gồm tòa tiền đình 3 gian 2 chái nối tòa hậu cung 2 gian. Tòa tiền đình với bốn mái đao cong bay bổng, bờ nóc xây tạo dải hoa chanh lại đắp hình lưỡng long chầu nguyệt...  

Đình Đại Từ không chỉ có giá trị kiến trúc nghệ thuật mà còn là cơ sở cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Sách Lịch sử huyện Lục Nam xuất bản năm 1994 trang 77 ghi: “Ngay từ những năm 1930 phủ Lục Ngạn có hai nhóm Việt Nam Quốc dân Đảng (một tổ chức yêu nước lúc đó) một nhóm ở làng Va, Dìa (nay thuộc Đông Phú) có 5 đảng viên. Một nhóm ở làng Đại Từ (nay thuộc Bảo Đài) có 3 đảng viên. 

Năm 1938, đồng chí Hoàng Quốc Thịnh về đình Đại Từ tuyên truyền thành lập chi bộ đầu tiên của địa phương gồm các đồng chí: Nguyễn Văn Kiểm, Nguyễn Văn Phú, Nguyễn Văn Lục. Thời kỳ này, đình Đại Từ là địa điểm hội họp, làm việc của các đồng chí hoạt động cách mạng, là nơi cất giấu vũ khí, tài liệu mật của Đảng. 

Giữa năm 1938, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã được giới thiệu về nhà đồng chí Lục ở Đại Từ, vừa để tránh sự theo dõi của mật thám Pháp, vừa tuyên truyền, xây dựng cơ sở cách mạng ở đây. Cuối năm 1938 một cuộc họp đã được tổ chức ở Đại Từ để bàn thành lập Chi bộ Phủ Lạng Thương do đồng chí Hoàng Quốc Việt chỉ đạo.

Sách Bắc Giang những chặng đường lịch sử NXB Chính trị Quốc gia trang 127 ghi: “Đầu năm 1940, phong trào cách mạng Bắc Giang đã hình thành trên ba khu vực: Hiệp Hòa, Phủ Lạng Thương và khu vực phố Lục Nam các làng Đại Từ, Thép Thượng, nòng cốt là Chi bộ Đại Từ. Cuối năm 1940, cơ quan in của Trung ương đã chuyển về nhà đồng chí Lục ở Đại Từ. Cũng cuối năm 1940, Chi bộ Đại Từ tổ chức mít tinh kỷ niệm cách mạng Tháng Mười Nga, ở xứ đồng Bàn Ô, rải truyền đơn, dán áp phích ở chợ Buộm, phố Lục Nam, đồng thời chi bộ đã vận động quyên tiền, gạo, quần áo, thu nhặt sắt vụn, rèn dao, kiếm gửi lên tặng du kích Bắc Sơn. Hoạt động này diễn ra tại đình làng Đại Từ. Đến đầu năm 1941, cơ sở cách mạng, cơ sở Đảng đã có ở hai nơi: Làng Đại Từ và làng Đọ. Tuy lực lượng mỏng, số lượng đảng viên ít nhưng đó là những hạt giống đỏ đầu tiên được gieo trên mảnh đất này để rồi phát triển rộng ra các nơi khác.

Những năm sau đó, đình Đại Từ còn là cơ sở hoạt động cách mạng nơi đi lại thường xuyên của các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Hà Thị Quế để chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa cách mạng Tháng Tám năm 1945. Cách mạng Tháng Tám thành công, đình Đại Từ lại là nơi làm việc của Ủy ban kháng chiến hành chính. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đình Đại Từ là nơi chữa trị, điều dưỡng cho bộ đội của Trạm thương binh E sơ tán về đình. Sau khi Trạm thương binh E chuyển đi, năm 1966, Bệnh viện Đa khoa huyện Lục Nam sơ tán về đình làm nơi điều trị chữa bệnh cho nhân dân các dân tộc trong huyện và các vùng phụ cận.

Đình Đại Từ là trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, nơi tổ chức lễ hội truyền thống của nhân dân địa phương. Lễ hội hàng năm được tổ chức ngày 12 tháng Giêng âm lịch với nhiều nghi lễ và các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.  

Với giá trị kiến trúc nghệ thuật, giá trị lịch sử văn hóa đặc biệt là cơ sở cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, đình Đại Từ đã được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử văn hóa.

Đồng Ngọc Dưỡng

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...