Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 35 °C / 27 - 39 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Vấn đề hôm nay
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Hàng Việt giành ưu thế trên “sân nhà”

Cập nhật: 13:51 ngày 14/07/2014
(BGĐT) - Sau hơn 5 năm triển khai, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã từng bước làm thay đổi thói quen của người dân trong việc sử dụng hàng hóa. Nhiều mặt hàng mang thương hiệu Việt dần đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng và vươn lên chiếm lĩnh thị trường.
Có mặt ở mọi nơi

 Khảo sát thực tế cho thấy, đa số hàng hóa được bày bán trong các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh đều là hàng trong nước. Ông Bùi Văn Dùng, Giám đốc Siêu thị Imexco (TP Bắc Giang) cho hay: "Việc tiêu thụ hàng Việt trong siêu thị khá thuận lợi bởi một số thương hiệu mạnh được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng”. 

Tại các chợ truyền thống, hàng Việt cũng đang chiếm lĩnh được thị trường. Tìm hiểu tại chợ Triển, xã Mỹ Thái (Lạng Giang) được biết, chợ họp theo phiên, trung bình mỗi phiên chợ có hơn 100 gian hàng, cao điểm có thể lên tới 150 gian bày bán các loại hàng hóa như: Bánh kẹo, giày dép, quần áo, rau, củ, quả… Tại đây, hàng hóa do Việt Nam sản xuất chiếm hầu hết các gian hàng. 

Anh Hà Văn Long, thôn Cầu Trong, xã Mỹ Thái (Lạng Giang), một tiểu thương kinh doanh quần áo may sẵn tại chợ Triển chia sẻ: "Cách đây khoảng ba năm, hàng quần áo bán tại đây chủ yếu nhập từ Trung Quốc vì có giá rẻ, mẫu mã phong phú, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Nhưng gần đây tôi chủ yếu lấy hàng từ các cơ sở gia công trong nước. Hàng may gia công của Việt Nam tuy chưa có thương hiệu nhưng chất lượng và giá cả có thể cạnh tranh được với hàng của Trung Quốc”. 

Còn tại chợ thị trấn An Châu (Sơn Động), nhiều người kinh doanh cho hay, gần đây, do người dân chủ yếu tìm mua hàng Việt nên họ chỉ nhập các loại hàng có xuất xứ trong nước. Anh Nguyễn Khánh Duy, thị trấn An Châu (Sơn Động) cho biết: "Người dân nông thôn khi mua hàng ít khi để ý đến nhãn hiệu sản phẩm mà chỉ căn cứ vào mẫu mã, giá cả. Nhưng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết có cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, do đó khi đi mua hàng tôi thường lựa chọn các loại hàng có xuất xứ trong nước”.  

Thương hiệu lớn "bỏ ngỏ” phân khúc bình dân

Dù hàng Việt đã dần chiếm lĩnh được thị trường, nhất là ở nông thôn nhưng trong các chợ truyền thống hầu như "vắng bóng” sản phẩm của các thương hiệu mạnh. Điển hình như đối với mặt hàng quần áo, giày dép, dù tại các chợ truyền thống bày bán chủ yếu là hàng xuất xứ trong nước nhưng đều là hàng gia công chứ không xuất hiện các thương hiệu lớn như: Việt Tiến, May 10 hay Biti’s. 

Thực tế cho thấy, hàng Việt Nam chất lượng cao hiện mới được bán chủ yếu tại các hệ thống bán buôn, bán lẻ hiện đại. Ở khu vực nông thôn, đa phần sản phẩm "made in Việt Nam” là hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Còn các mặt hàng khác chỉ về thôn quê thông qua các phiên chợ "Hàng Việt về nông thôn”. Lý giải cho vấn đề này, một số tiểu thương tại các chợ truyền thống cho hay, do sản phẩm của các thương hiệu lớn thường có giá bán cao nên khó xâm nhập được vào các chợ nông thôn, miền núi, vùng cao. 

Theo ông Trần Văn Lộc, Giám đốc Sở Công thương, để đẩy mạnh Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp cùng các đơn vị liên quan tuyên truyền, giáo dục nêu cao ý thức sử dụng hàng Việt Nam trong Nhân dân. Cùng đó, tăng cường hỗ trợ, giúp đỡ và cùng doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, khuyến khích tiêu thụ hàng sản xuất trong nước, khai thác thị trường tiềm năng ở khu vực nông thôn. Siết chặt công tác quản lý thị trường, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng sản xuất, lưu thông hàng giả, hàng kém chất lượng để tạo niềm tin cho người tiêu dùng khi sử dụng hàng sản xuất trong nước. 

Bên cạnh nỗ lực của ngành chức năng, các doanh nghiệp trong nước cũng cần nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ để cung cấp sản phẩm có chất lượng cao và ổn định, có thể cạnh tranh với hàng ngoại nhập; đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, từ đó có cơ sở để phát triển các sản phẩm phù hợp với nhiều đối tượng người tiêu dùng.


Theo khảo sát của Sở Công thương, hiện nay người tiêu dùng trong tỉnh Bắc Giang ngày càng đánh giá cao hàng hóa có xuất xứ trong nước và lựa chọn khi mua sắm. Trong đó, hàng dệt may có tới 80%; nhóm hàng thực phẩm, rau quả có hơn 70%; mặt hàng thực phẩm tươi sống, lương thực, vật liệu xây dựng, trang trí nội thất được gần 90% người tiêu  dùng lựa chọn... 


Việt Anh

Chia sẻ:
Chủ đề:

    Ý kiến bạn đọc (0)

    Bình luận của bạn...